Hỗ trợ Covid-19 đợt 2: Đề xuất giảm thuế thay vì gia hạn nộp thuế

(PLVN) - Trong các giải pháp đề xuất gửi Chính phủ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng cần phải thay đổi cách tiếp cận và lựa chọn chính sách đối với doanh nghiệp (DN) theo hướng có nhiều hơn những chính sách giúp DN tiết giảm được dòng tiền chi ra, trong đó có đề xuất giảm thuế thay vì chỉ gia hạn nộp thuế như trước.
Chỉ có 2% số DN tạm thời chưa bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Chỉ có 2% số DN tạm thời chưa bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nhiều giải pháp tài chính hỗ trợ DN

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất và mới đây nhất là Nghị định 109/2020/NĐ-CP ngày 15/9/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Với các Nghị định này, thay vì phải nộp thuế ngay, DN sẽ được gia hạn đến cuối năm 2020. Theo tính toán của Bộ Tài chính, với việc gia hạn này, thu ngân sách năm 2020 không giảm bởi DN sẽ phải hoàn tất việc nộp thuế trong năm.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 8/2020, tức là sau thời hạn nộp giấy đề nghị theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP, cơ quan thuế mới tiếp nhận 184.906 giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của 128.679 DN và 56.227 hộ, cá nhân kinh doanh, tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 66,4 nghìn tỷ đồng.

Trong khi trước đó, khi trình Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính ước tính số DN được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất là khoảng 700.000, chiếm 93% số DN cả nước. Số tiền thuế và tiền thuê đất được chậm nộp trong tháng 3, 4, 5 và 6 là khoảng 182.000 tỷ đồng. 

Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ngày 28/6/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/ 2020. Với Nghị định này, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định  20/2019/NĐ-CP, song cũng chỉ thực hiện đến hết năm 2020.

Với Quyết định 22/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ. tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cũng được điều chỉnh giảm 15%.

Cùng với các Nghị định của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã ban hành 17 Thông tư điều chỉnh giảm 30 khoản phí, 14 khoản lệ phí với tổng số tiền giảm lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Trong đó nhiều khoản phí, lệ phí có mức giảm lớn như: Giảm 70% lệ phí đăng ký DN; Giảm từ 50- 70% các khoản phí thẩm định cấp giấy phép hoạt động bưu chính, phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng,... Các mức giảm này cũng chỉ được thực hiện trong năm 2020. 

Đáng chú ý, ngày 19/6/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập DN (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với DN, Hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Cụ thể, DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng sẽ được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020. 

Giảm thuế - “phần thưởng” cho DN

Liên quan đến giải pháp thuế, tài chính, trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban IV cho biết, DN và Hiệp hội tiếp tục kiến nghị Chính phủ áp dụng mạnh hơn việc miễn, giảm, hoãn các khoản tiền phải nộp trong năm 2020-2021.

Đặc biệt, Ban này đề nghị Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế TNDN 30% cho tất cả các DN trong năm 2020, thay vì chỉ áp dụng với trường hợp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng như Nghị quyết 116/2020/QH14. Đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT), đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm mức thuế suất từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch.

Trao đổi với báo chí, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban IV, cho biết, từ đầu năm tới nay, Ban này đã thực hiện 3 cuộc khảo sát về tình hình DN. Ở cuộc khảo sát đầu tiên (tháng 3/2020), gần 43% số DN được hỏi đã kiến nghị giảm thuế TNDN, thuế GTGT và các loại thuế khác. Trong đó mức giảm thuế suất thuế TNDN được kiến nghị phổ biến là 50% cho cả năm 2019 và 2020. Tại cuộc khảo sát lần 3 (tháng 8/2020), kiến nghị giảm thuế TNDN lại được đề cập. Mức kiến nghị giảm là 50% cho cả năm 2019 và 2020. “Như vậy, đề xuất của chúng tôi xuất phát từ nguyện vọng của các DN!”- bà Thủy nói.

Kết quả khảo sát lần 3 cho thấy có 20% DN đã phải dừng hoạt động, 76% DN không cân đối được thu chi, 2% DN đã giải thể và chỉ có 2% DN tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

 “Chính sách của chúng tôi không hướng tới nhóm 2% chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Chúng tôi quan tâm tới nhóm 76% DN không cân đối được thu chi. Chúng tôi thấy rằng việc đề xuất giảm 30% thuế TNDN cho mọi DN sẽ không làm nhóm 76% DN này hưởng lợi ngay nhưng đó sẽ là một “phần thưởng”, một động lực để họ nỗ lực kinh doanh, vươn sang nhóm 2% chưa bị ảnh hưởng. Nếu nhóm 76% làm được vậy, họ sẽ tạo ra hiệu ứng rất tốt cho toàn nền kinh tế”- đại diện Ban IV nói.

Đọc thêm