Hỗ trợ doanh nghiệp, chậm còn hơn không!

"Có thể nói, đến lúc này mới đưa ra gói hỗ trợ là hơi chậm, bởi đây là gói hỗ trợ được các DN chờ đợi từ lâu, sau một thời gian quá khó khăn kéo dài, nhiều DN đã không còn chịu đựng nổi. Dù vậy, dẫu chậm còn hơn không bao giờ có", TS Nguyễn Minh Phong nói.

Nhận định về tác động của “gói hỗ trợ 29.000 tỷ” đối với các DN trong bối cảnh hiện nay, TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế - cho rằng:
- Trước khi nói về tác động, ta cần phải nói về thời điểm Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ. Có thể nói, đến lúc này mới đưa ra gói hỗ trợ là hơi chậm, bởi đây là gói hỗ trợ được các DN chờ đợi từ lâu, sau một thời gian quá khó khăn kéo dài, nhiều DN đã không còn chịu đựng nổi. Dù vậy, dẫu chậm còn hơn không bao giờ có. Thứ hai, tính chất của gói hỗ trợ này là gói không chi tiền, mà là gói chính sách, cứu những DN tồn tại được qua thử thách chứ không phải những DN đã chết.  
ông Nguyễn Minh Phong
TS. Nguyễn Minh Phong
Gói hỗ trợ này có sự kết hợp giữa 2 nhóm là chính sách và tiền tệ. Đây là tác động tích cực và rõ ràng đối với DN vì chúng ta có thể thấy miễn, giảm hay giãn đều tốt cả, trực tiếp góp cho DN có thêm phần vốn khả dụng mà không có lãi suất nào đồng thời giảm bớt chi phí đầu vào cho DN, giảm bớt gánh nặng cho DN, giúp DN giải tỏa nhiều vấn đề tồn tại. Một tác động quan trọng nữa là tạo niềm tin một phần cho DN, người dân, cộng đồng về sự ra tay của Chính phủ – mà lúc này yếu tố niềm tin cũng là quan trọng - làm “sáng” thị trường lên.
Nhưng thực hiện gói hỗ trợ này cũng có những điểm đáng lưu ý. Gói hỗ trợ  rất dễ bị lạm dụng nếu các “ông” thuế, quản lý nhà nước liên quan trên cơ sở xét xin - cho, xác minh… làm phát sinh tình trạng tham nhũng, “té nước theo mưa”.  Nếu làm không minh bạch, chuẩn xác sẽ gây nên tình trạng bất bình đẳng, vừa bóp méo thị trường, vừa gây ấm ức cho các DN. 
Xét về mặt kế hoạch đã có, ngay cả chi ngân sách cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trong kế hoạch đầu năm chưa có gói hỗ trợ này, cuối năm phải chi đi một lượng tiền nhất định, ảnh hưởng đến chi ngân sách nhà nước, đến cân bằng ngân sách, từ áp lực cân bằng ngân sách sẽ dẫn tới áp lực về nợ công và các chính sách tài chính tiền tệ khác… 
So sánh của ông giữa gói kích cầu cách đây vài năm với gói hỗ trợ hiện nay? 
- Đây là phép so sánh khó khăn vì bản chất hai gói này khác nhau: Một gói thực chi để kích cầu, một gói hỗ trợ qua chính sách thuế nhưng gói cũ thì chưa tổng kết, gói mới mới bắt đầu thực hiện nên thông tin chưa có nhiều. Bởi thế, nếu so sánh cụ thể là việc rất khó làm lúc này. 
Theo ông, làm thế nào để DN tin rằng có sự minh bạch và được hưởng thụ công bằng trong gói hỗ trợ này?
-Từ bài học của quá khứ và tránh tình trạng lạm dụng như vừa nói, quá trình thực hiện gói hỗ trợ phải đảm bảo hai điều: một là, tiêu chí rõ ràng và thông tin đầy đủ; hai là, giám sát kiểm tra và xử lý kịp thời của cơ quan chức năng, tăng giám sát của xã hội và của DN. Đối với ngành nghề khác nhau thì tác động của gói hỗ trợ sẽ khác nhau, nhưng nếu cứ loanh quanh một hồi rồi “nước chảy chỗ trũng” sẽ gây ra một hiệu ứng hoàn toàn khác trong xã hội…/.
PV

Đọc thêm