Hỗ trợ cả kinh phí trong 5 ngày Tết Nguyên đán 2021
Cụ thể, ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương khó khăn về ngân sách kinh phí thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 gồm: Kinh phí thực hiện các chính sách đặc thù (phần ngân sách nhà nước đảm bảo); kinh phí thực hiện cách ly y tế, khám, chữa bệnh và chế độ phụ cấp chống dịch (phần ngân sách nhà nước đảm bảo); kinh phí hỗ trợ tiền ăn và bồi dưỡng chống dịch Covid-19 trong 5 ngày Tết Nguyên đán năm Tân Sửu năm 2021 (phần ngân sách nhà nước đảm bảo).
Quyết định cũng quy định cụ thể cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Theo đó, với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, ngân sách trung ương hỗ trợ 70% mức ngân sách nhà nước thực chi theo quy định.
Còn lại, các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 50% trở lên chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%, ngân sách trung ương hỗ trợ 30% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thì ngân sách trung ương hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Các địa phương sử dụng tối đa 50% nguồn dự toán dự phòng ngân sách địa phương, tối đa 70% Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp các địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở mức độ lớn, nếu phần ngân sách vượt quá nguồn lực của địa phương, ngân sách trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn thực hiện.
Kết thúc năm ngân sách, trường hợp ngân sách địa phương hụt thu, sau khi đã điều chỉnh giảm một số khoản chi và sử dụng nguồn lực tài chính hợp pháp khác của địa phương, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, nhưng phần hụt thu ngân sách địa phương lớn hơn dự toán dự phòng ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao.
Lúc này, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách trung ương và ngân sách từng địa phương, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ một phần kinh phí từ dự phòng ngân sách trung ương. Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương không vượt quá 50% dự toán dự phòng ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao.
3 giai đoạn phục hồi chuyến bay quốc tế
Song song với hỗ trợ chống dịch, để thực hiện phục hồi kinh tế và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) xây dựng Kế hoạch triển khai các chuyến bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam. Việc khôi phục trở lại các chuyến bay quốc tế được Cục Hàng không Việt Nam báo cáo lên Bộ chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn đầu, Việt Nam chỉ khôi phục các chuyến bay trọn gói (combo), áp dụng với công dân Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam cùng đối tác (doanh nghiệp lữ hành) phối hợp cơ quan đại diện ngoại giao, địa phương tiếp nhận cách ly tại khách sạn tổ chức chuyến bay sau khi có phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền với chi phí trọn gói vé máy bay, xét nghiệm Covid-19, khách sạn cách ly và tiền ăn trong 15 ngày, phương tiện mặt đất đón về khách sạn cách ly…
Cục Hàng không cũng đề nghị triển khai đồng thời các chuyến bay giải cứu công dân do Chính phủ tổ chức, với tần suất căn cứ theo năng lực tiếp nhận cách ly của địa phương. Các chuyến bay sẽ chỉ được cấp phép sau khi phương án tiếp nhận cách ly được địa phương thống nhất.
Giai đoạn 2 sẽ bắt đầu từ tháng 7/2021, các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam có cách ly sau khi nhập cảnh cho cả công dân Việt Nam và nước ngoài (phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19). Trước mắt sẽ thực hiện trên các đường bay giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) với tần suất 4 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên.
Giai đoạn 3 dự kiến thực hiện từ tháng 9/2021. Giai đoạn này sẽ tùy thuộc vào tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vaccine đại trà trong xã hội. Cục sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine”.
Thị trường triển khai được xác định là các quốc gia/vùng lãnh thổ công bố chấp nhận hiệu quả phòng dịch Covid-19 của cùng loại vaccine mà Việt Nam đã công bố để áp dụng rộng rãi trong lãnh thổ Việt Nam. Tần suất ban đầu dự kiến 7 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên.
Hành khách sau nhập cảnh phải khai báo với chính quyền địa phương nơi cư trú và tự cách ly tại nơi cư trú từ 7 - 14 ngày (theo hướng dẫn của Bộ Y tế). Hành khách không có đủ giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và Giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế phải cách ly đủ 14 ngày theo hình thức chi phí trọn gói (tương tự chuyến bay combo).