Đây là một nội dung tại Thông báo 347/TB-VPCP ngày 22/12/2021 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 hôm 16/12.
Thông báo nêu rõ: Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế (theo Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021) cơ bản phù hợp, sát tình hình và đang được thực hiện có hiệu quả. Tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, những ngày gần đây số ca mắc, chuyển nặng và tử vong vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Vì vậy, tình hình dịch bệnh dự báo vẫn diễn biến phức tạp, nhất là biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng Delta, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất.
Chậm nhất ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022. Chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế bảo đảm đủ thuốc điều trị; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các bệnh viện trên toàn quốc chủ động mua sắm theo quy định; phân bổ, hỗ trợ kịp thời thuốc điều trị cho các địa phương; chịu trách nhiệm kiểm định, quản lý chất lượng thuốc được đưa vào sử dụng; tổ chức mua tập trung một số loại thuốc điều trị thiết yếu và phải bảo đảm có cơ số dự phòng phù hợp cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu.
Cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 hôm 16/12/2021. |
Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị khẩn trương nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị COVID-19; thúc đẩy thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn để phát hiện, xét nghiệm sàng lọc, điều trị ban đầu, điều trị sớm các trường hợp F0 tại cơ sở, tại nhà cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở; chỉ đạo thành lập trạm xá lưu động, bảo đảm trang thiết bị y tế cần thiết, đồng thời điều động lực lượng hỗ trợ từ nơi khác đối với địa phương phát hiện nhiều ca nhiễm, dịch diễn biến phức tạp; huy động nhân viên y tế đã nghỉ hưu, hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác chăm sóc, hỗ trợ điều trị người nhiễm COVID-19, nhất là tại cơ sở.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện trình Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách về phụ cấp cho nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng; nghiên cứu, xây dựng Đề án kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng phù hợp với dự báo về tình hình dịch bệnh, nhu cầu chăm sóc điều trị ban đầu.
Bộ Giao thông vận tải, các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế bảo đảm an toàn, phù hợp tình hình và thông lệ của các nước với phương châm “không quá thận trọng nhưng cũng không quá chủ quan” theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.
Các địa phương tiếp tục tham khảo, lấy ý kiến của doanh nghiệp, người dân về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, phù hợp và bảo đảm sản xuất kinh doanh an toàn; tiếp tục quan tâm công tác bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự giác, tự nguyện, tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bộ Tài chính, Bộ Y tế xử lý kịp thời các kiến nghị về tài chính, thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế theo đề nghị của các tỉnh, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.