Hỗ trợ người bị thu hồi đất nông nghiệp còn khoảng cách với nhu cầu

(PLO) - "Ưu tiên đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm đối với người bị thu hồi đất nông nghiệp" là một trong những nội dung đã được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền hứa trước Quốc hội khi trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Song dường như sau hơn 5 tháng thực hiện lời hứa này thì việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nói chung và lao động bị thu hồi đất nông nghiệp nói riêng vẫn còn những "lỗ hổng chưa thể lấp đầy". 
Hỗ trợ người bị thu hồi đất nông nghiệp còn khoảng cách với nhu cầu
Trong những năm qua, việc thu hồi đất nông nghiệp để phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất và phát triển hạ tầng cơ sở là một tất yếu khách quan của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Theo ước tính, cứ mỗi héc ta đất nông nghiệp bị thu hồi thì có khoảng 10 lao động bị mất việc làm. Do đó, dự kiến trong giai đoạn 2011-2015, với trên 50.000 ha đất nông nghiệp bị thu hồi thì trên 500 nghìn lao động bị thu hồi đất nông nghiệp sẽ bị mất việc làm. 
Nhằm giải quyết việc làm, đào tạo nghề, ổn định đời sống cho lao động nông thôn nói chung và người dân bị thu hồi đất nông nghiệp nói riêng, các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người bị thu hồi đất nông nghiệp đã thu được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, Bộ LĐTB&XH thừa nhận, sau hơn 5 tháng thực hiện lời hứa trước Quốc hội thì việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nói chung và lao động bị thu hồi đất nông nghiệp nói riêng vẫn còn những "lỗ hổng chưa thể lấp đầy". 
Đó là tình trạng dạy nghề cho lao động bị thu hồi đất nói riêng tuy tăng hàng năm nhưng chưa tương xứng với nhu cầu của người học nghề và doanh nghiệp tiếp nhận lao động. Mặt khác, chi phí người lao động nhận được để hỗ trợ chuyển đổi nghề còn thấp chỉ đủ cho người lao động tham gia khóa đào tạo ngắn hạn với những ngành nghề đơn giản, khó có thể hình thành một nghề để thay thế nghề nông vốn gắn liền với họ từ nhiều năm. Cũng vì thế mà số lao động đã qua đào tạo nghề thấp, thường làm công việc giản đơn, nguồn thu nhập thấp và không ổn định. 
Với thực trạng ở nhiều địa phương, khi quy hoạch đất nông nghiệp thu hồi chưa gắn với quy hoạch tái định cư, chưa có quy hoạch, kế hoạch cụ thể về hỗ trợ dạy nghề và việc làm cho người lao động; giữa các ngành chưa có sự phối hợp  chặt chẽ trong quy hoạch nên rất nhiều nơi chưa có phương án chuẩn bị trước để giải quyết việc làm cho các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp nên số người bị thu hồi đất nông nghiệp thất nghiệp vẫn cao.
Công tác tuyển dụng lao động tại các địa phương có đất bị thu hồi chưa thực sự hiệu quả, khả năng thu hút lao động vào các dự án còn thấp. Mặc dù các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng đất thu hồi ưu tiên tuyển lao động tại chỗ, nhưng các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng cam kết trước khi nhận đất, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung tuyển lao động vào các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật cao nên việc thu hút lao động tại chỗ rất ít...
Những hạn chế, tồn tại này cần tiếp tục được giải quyết để bảo đảm quyền lợi người bị thu hồi đất nông nghiệp một cách cụ thể, kịp thời, cũng như góp phần tạo sự ổn định cho xã hội.

Đọc thêm