Hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ tự nguyện pháp luật thuế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổng cục Thuế đang lấy ý kiến triển khai “Chương trình hỗ trợ người nộp thuế (NNT) tuân thủ tự nguyện pháp luật thuế”. Doanh nghiệp (DN) tham gia Chương trình này sẽ được hưởng nhiều ưu đãi trong hoàn thuế…
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình. (Ảnh: TCT)
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình. (Ảnh: TCT)

Tại cuộc họp triển khai “Chương trình hỗ trợ NNT tuân thủ tự nguyện pháp luật thuế” do Tổng cục Thuế tổ chức mới đây, đại diện Ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế) cho biết, chương trình triển khai nhằm lựa chọn NNT được đánh giá tuân thủ tốt pháp luật thuế để thực hiện ưu tiên giải quyết hoàn thuế nhanh.

Theo đó, NNT được lựa chọn tham gia chương trình sẽ được ưu tiên giải quyết nhanh các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính thuế; ưu tiên giải quyết trước, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ hoàn thuế; ưu tiên các hoạt động tuyên truyền hỗ trợ NNT; giảm tần suất than, kiểm tra; giảm mức tổng điểm rủi ro; hỗ trợ cảnh báo sớm nguy cơ rủi ro...

Về các tiêu chí đánh giá NNT tuân thủ tốt, dự kiến CQT đưa ra 9 tiêu chí: Thứ nhất, NNT có thời gian hoạt động liên tục từ 24 tháng trở lên, đồng thời có phát sinh thường xuyên hoạt động mua vào, bán ra hàng hóa, dịch vụ và có mức vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng trở lên.

Hai là, không có người đại diện/chủ sở hữu là người đại diện/chủ sở hữu của DN bỏ địa chỉ kinh doanh/ngừng hoạt động kinh doanh chưa hoàn tất thủ tục đóng mã số thuế.

Ba là, trong thời gian 24 tháng liên tục trở về trước tính từ thời điểm đánh giá có tỷ lệ tờ khai thuế đúng hạn so với tờ khai thuế phải nộp cao (dự kiến từ 98% trở lên).

Bốn là, tỷ lệ “số lượng hóa đơn sử dụng không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn trên tổng số lượng hóa đơn sử dụng” thấp (dự kiến không quá 1%).

Năm là, tỷ lệ số tiền thuế đã nộp đúng hạn so với số tiền thuế phải nộp lớn (dự kiến từ 95% trở lên).

Sáu là, thuộc danh sách NNT có số thuế nộp ngân sách nhà nước lớn nhất tính theo địa bàn/theo loại hình DN/phạm vi quản lý (thuộc 5% NNT có số thuế nộp ngân sách nhà nước lớn nhất tính theo địa bàn).

Bảy là, NNT không bị xử phạt về hành vi trốn thuế, buôn lậu; không bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế trong thời gian 24 tháng liên tục trở về trước tính từ thời điểm đánh giá.

Tám là, NNT không bị CQT xử lý vi phạm hành chính về hành vi không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế trong thời gian 24 tháng liên tục trở về trước tính từ thời điểm đánh giá.

Cuối cùng, tỷ lệ số tiền phạt, tiền chậm nộp (nếu có) so với số thuế đã nộp ngân sách trong năm thấp (dự kiến không quá 1% hoặc tổng mức tiền phạt, tiền chậm nộp không quá 100 triệu đồng).

Để Chương trình bảo đảm mục tiêu hoàn thuế nhanh, trước mắt CQT sẽ áp dụng trước tiên đối với nhóm DN lớn có hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư liên quan đến hoàn thuế. Sau thời gian thí điểm sẽ đánh giá hiệu quả, hoàn thiện Chương trình và mở rộng đối tượng tham gia.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành yêu cầu, ngoài việc đẩy nhanh công tác hoàn thuế, kiểm tra hồ sơ của DN, giảm tải áp lực cho CQT thì việc triển khai “Chương trình hỗ trợ NNT tuân thủ tự nguyện pháp luật thuế” cũng là phương thức truyền thông hữu hiệu để đẩy mạnh tính tự giác trong tuân thủ pháp luật thuế của NNT.

Từ mục tiêu đề ra, Lãnh đạo Tổng cục Thuế giao Ban Quản lý rủi ro phối hợp với Cục Công nghệ thông tin tăng cường số hóa, hiện đại hóa trong công tác xác minh DN có tính tuân thủ pháp luật cao. Giao Vụ Kê khai và Kế toán thuế phối hợp với Cục Thanh tra - Kiểm tra hỗ trợ phân tích tiêu chí chọn lọc DN để đẩy nhanh hoàn thuế. Đồng thời, duy trì cơ chế cung cấp thông tin minh bạch, trung thực, tự động kê khai, tự nguyện tuân thủ của DN cho CQT…

Đọc thêm