Hỗ trợ thanh niên làm chủ vận mệnh thông qua định hướng nghề nghiệp

(PLVN) - Thế hệ trẻ chính là tài sản quốc gia, là động lực phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, nếu không được hỗ trợ kịp thời và đúng hướng, họ có thể trở thành nhóm dễ bị tổn thương, tụt hậu trong chính cuộc cách mạng công nghệ mà đất nước đang theo đuổi. Định hướng nghề nghiệp và các chính sách hỗ trợ thanh niên là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giúp giới trẻ làm chủ vận mệnh cá nhân và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Ông Nguyễn Văn Trúc - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ phát biểu tại lễ khai mạc cuộc thi AI for Good Việt Nam 2025. (Nguồn: MSD)

Con số đầy thử thách

Trong bối cảnh chuyển đổi số và những biến động mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu, giới trẻ, đặc biệt là thanh niên từ 16 đến 24 tuổi, đang đối mặt với một thực tế đầy thách thức: không việc làm, không học hành và thiếu định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Xuất hiện từ thập niên 1990 tại Anh, thuật ngữ NEET, viết tắt của cụm “Not in Education, Employment or Training” (tạm dịch: không học hành, không đi làm, không được đào tạo), được dùng để chỉ nhóm thanh niên ở độ tuổi từ 16 đến 24 không tham gia vào bất kỳ hoạt động giáo dục, lao động hay đào tạo nghề nào. Ban đầu chỉ là một nhãn dán thống kê, NEET giờ đây đã trở thành một hiện tượng xã hội nổi bật ở nhiều quốc gia. Trên quy mô toàn cầu, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết tỷ lệ NEET trong năm 2024 đã lên đến 20,4%, được xem là một “cơ hội bị bỏ lỡ” trong việc phát triển nguồn nhân lực tương lai.

Tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê ghi nhận khoảng 1,35 triệu người trẻ từ 15 đến 24 tuổi thuộc nhóm NEET, chiếm 10,4% tổng số thanh niên trong độ tuổi này. So với quý trước, con số này tăng thêm hơn 84.000 người, theo báo cáo quý I/2025.

Trước báo cáo về tỷ lệ NEET của thanh niên Việt Nam, dù rằng theo quan điểm của nhiều chuyên gia cần thu thập, phân tích và làm rõ số liệu để đưa ra những giải pháp phù hợp. Cụ thể, việc cung cấp thông tin lao động hiện chỉ bắt buộc ở khu vực chính thức, có giao kết hợp đồng. Còn lao động khu vực phi chính thức thì chỉ dừng ở mức độ khuyến khích, tức là họ có thể đăng ký hoặc không. Điều này dẫn đến việc thu thập thông tin dữ liệu lao động rất khó đầy đủ và chính xác. Nhưng dù thế nào thì đây không chỉ là con số thống kê, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội.

Nhìn vào con số 1,35 triệu thanh niên NEET, ta thấy rõ những khác biệt vùng miền và giới tính: 11,7% thanh niên nông thôn, 11,5% nữ thanh niên không học và không làm, trong khi nam chỉ 9,3%. Những con số ấy không chỉ phản ánh khó khăn về kinh tế hay điều kiện tiếp cận giáo dục, mà còn cho thấy sự thiếu vắng của các chương trình định hướng nghề nghiệp sớm và toàn diện. Điều này cho thấy chính sách của Nhà nước cần có giải pháp kịp thời hướng đến nhóm thanh niên không đi học và không đi làm này.

Bàn về giải pháp, trao đổi với truyền thông, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM cho rằng, trong khi đợi có số liệu thống kê chính xác đến từ việc hoàn thiện quy trình thu thập và phân tích dữ liệu, để từ đó làm rõ nguyên nhân, phân loại đối tượng, xác định giải pháp chung và giải pháp cho từng địa phương, thì việc khuyến khích người dân, các bậc cha mẹ dù hoàn cảnh khó khăn cũng nỗ lực, thông qua sự hỗ trợ của các chính sách xã hội, để thế hệ trẻ hoàn thành trình độ trung học cơ sở, trung học phổ thông và đào tạo nghề là cần thiết.

Đánh giá về thị trường lao động hiện nay, khi trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động mạnh đến mọi lĩnh vực, làm thay đổi cơ cấu ngành nghề và yêu cầu nguồn nhân lực phải thích ứng, vì thế “việc định hướng, thúc đẩy thanh niên học tập, tham gia đào tạo là việc vô cùng cấp thiết. Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình "Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030", điều này tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc học tập suốt đời trong việc phát triển nguồn lực quốc gia”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Định hướng nghề nghiệp - nền tảng cho việc làm bền vững

Sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động do tác động của chuyển đổi số và AI khiến nhu cầu về kỹ năng nghề nghiệp mới càng trở nên cấp thiết. Những công việc mang tính lặp lại, thủ công sẽ dần bị thay thế. Thay vào đó là các ngành nghề đòi hỏi kiến thức số, kỹ năng mềm và tư duy đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh đó, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên không chỉ là giới thiệu ngành nghề, mà là một quá trình đồng hành giúp thanh niên hiểu rõ bản thân, nắm bắt xu hướng thị trường, từ đó xây dựng lộ trình học tập - nghề nghiệp phù hợp.

Một trong những điểm sáng trong nỗ lực hỗ trợ thanh niên là dự án “Hướng tới tương lai chuyển đổi số ở Việt Nam” do Plan International Việt Nam và Viện REACH triển khai từ tháng 4/2024 đến tháng 3/2025. Dự án đã giúp 207 thanh niên, trong đó 42% là nữ, được đào tạo các kỹ năng thiết kế đồ họa 2D, 3D và Digital Marketing - những nghề phù hợp với kỷ nguyên số. 85% số học viên đã có việc làm sau khóa học, thu nhập ổn định, tự chủ tài chính và phát triển cá nhân.

Thanh niên tham gia Ngày hội “Tư vấn hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên” năm 2024 do Trung ương Đoàn tổ chức. (Nguồn: TW Đoàn)

Lò Duyên Huyền, một cựu học viên chia sẻ: “Khóa học không chỉ giúp em có một nghề vững chắc mà còn giúp em tự tin hơn, hiểu rõ bản thân mình hơn. Giờ đây, em có thêm nhiều bạn bè và đồng nghiệp mới, tất cả đều là những người sáng tạo, nhiệt tình. Thu nhập từ công việc thiết kế giúp em tự lo cho bản thân và hỗ trợ mẹ. Mỗi bức ảnh em chỉnh sửa không chỉ đẹp hơn mà còn là dấu mốc trưởng thành của mình. Em hy vọng nhiều bạn gái trẻ khác cũng có cơ hội học tập, làm việc và khám phá những điều thú vị trong lĩnh vực công nghệ như em”. Câu chuyện ấy là minh chứng cho tác động tích cực của việc định hướng đúng - không chỉ thay đổi nghề nghiệp, mà thay đổi cả cuộc đời.

Trong tiến trình hỗ trợ thanh niên làm chủ vận mệnh thông qua định hướng nghề nghiệp, việc chú trọng bình đẳng giới và công bằng cơ hội cũng rất quan trọng. Định hướng nghề nghiệp cần phải đi kèm với việc xóa bỏ rào cản định kiến, đặc biệt là đối với nữ giới. Như bà Lê Quỳnh Lan - Giám đốc Quốc gia Plan International Việt Nam nhấn mạnh: “Thành công của các bạn nữ trong dự án không chỉ là thành công cá nhân, mà còn góp phần thay đổi nhận thức xã hội về khả năng của nữ giới trong lĩnh vực công nghệ”. Việc giúp nữ giới bước chân vào lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) chính là cách để họ làm chủ tương lai, phá vỡ vòng lặp nghèo đói - lệ thuộc - bị động.

Ở một góc nhìn khác, việc định hướng nghề nghiệp sớm ngay từ bậc phổ thông cũng rất quan trọng. Việc xây dựng năng lực về AI, làm chủ công nghệ và ứng dụng công nghệ vào giải quyết các vấn đề của nhân loại là yêu cầu cấp thiết đối với học sinh phổ thông trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ. Đưa AI và công nghệ vào giáo dục phổ thông không chỉ giúp học sinh hiểu cách hoạt động của AI mà còn khuyến khích các em ứng dụng công nghệ vào thực tiễn. Đây cũng là bước đi quan trọng để Việt Nam xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại số và khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Cuối tháng 3 vừa qua, Lễ phát động Cuộc thi AI for Good Việt Nam 2025 - cuộc thi đầu tiên về AI for Good của Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững (MSD United Way Việt Nam) và Tổ chức Giáo dục InterEdu phối hợp tổ chức đã diễn ra. Đây là một sân chơi giáo dục dành cho học sinh phổ thông cả ba cấp trên toàn quốc nhằm ứng dụng AI vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, đóng góp vào phát triển bền vững. Các chủ đề AI for Good Việt Nam 2025 khuyến khích các lĩnh vực: AI vì giáo dục, sức khỏe, môi trường, vì trẻ em, người khuyết tật, vì hoạt động từ thiện nhân đạo, vì bình đẳng. Các đội thi áp dụng những bài học để thiết kế về một khái niệm hoặc ý tưởng tạo ra sự khác biệt trong việc giải quyết các thách thức của cộng đồng địa phương hoặc thế giới xung quanh.

Ông Nguyễn Văn Trúc - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Tôi rất vui mừng khi biết đến cuộc thi AI for Good - một chương trình AI dành cho các em học sinh phổ thông các cấp. Các em là mầm non của phát triển công nghệ đất nước, nếu chúng ta đưa vào sớm thì đây sẽ là cơ hội rất tốt. Chúng ta đang bước vào giai đoạn vận hội mới, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, quyết tâm đưa ra một chiến lược phát triển đất nước, thế hệ trẻ nếu học tập và ứng dụng công nghệ hiệu quả sẽ đưa đất nước tiến lên”.

Vĩ Thanh

Từ các câu chuyện của dự án “Hướng tới tương lai chuyển đổi số ở Việt Nam”, Cuộc thi AI for Good Việt Nam 2025 có thể thấy, không chỉ các tổ chức xã hội, mà chính quyền các cấp cũng cần vào cuộc mạnh mẽ. Bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, đặc biệt là thanh niên, cần được đẩy mạnh, tránh tình trạng “thiếu dữ liệu - sai chính sách”. Để từ đó có định hướng khuyến khích các gia đình, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, tiếp cận các chương trình định hướng nghề nghiệp. Nhà nước cần tạo ra các chính sách hỗ trợ tài chính, tư vấn, đào tạo miễn phí, cũng như kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi hỗ trợ nghề nghiệp cho thanh niên.

Cần hiểu rằng, định hướng nghề nghiệp hiệu quả không thể là những buổi tư vấn rời rạc. Đó phải là một hệ sinh thái bền vững, nơi có sự tham gia của nhà trường - gia đình - doanh nghiệp - tổ chức xã hội - và cả chính thanh niên. Hệ sinh thái này rất cần có các nền tảng số quốc gia hỗ trợ thanh niên tự kiểm tra năng lực, định vị nghề nghiệp, theo dõi quá trình học tập và tiếp cận cơ hội việc làm phù hợp.

Làm chủ vận mệnh không phải là một khái niệm viển vông, mà là hành trình có thể bắt đầu ngay hôm nay - từ việc được định hướng nghề nghiệp sớm, đúng đắn và nhân văn. Chúng ta không chỉ giúp thanh niên có việc làm, mà còn giúp họ hiểu họ là ai, họ muốn gì và họ có thể đóng góp gì cho xã hội. Đó là cách duy nhất để Việt Nam tận dụng được “thời điểm vàng dân số”, biến thách thức thành cơ hội, xây dựng một thế hệ trẻ thực sự vững vàng trước tương lai.

Đọc thêm