Câu chuyện con chọn nghề gì, cha mẹ muốn con theo nghề gì lại nóng lên trong những ngày tháng 4 này, khi học sinh bắt đầu làm hồ sơ đăng ký và kỳ thi CĐ, ĐH đã gần kề.
“Cuộc chiến nghề nghiệp”
Đó là chữ dùng của Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu khi nói về vấn đề can thiệp của cha mẹ tới định hướng nghề nghiệp của con.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: “Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều trường hợp bạn trẻ đau khổ vì những chỉ thị này. Một bạn trẻ đã 27 tuổi, ngày xưa đam mê ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên, cha mẹ của bạn đều làm tại trung tâm y tế và buộc cậu phải học theo ngành Y dễ ba mẹ sắp xếp chỗ làm. Đấu tranh mãi không được, cuối cùng cậu đành chiều theo ý gia đình. Vật vã mấy năm mới tốt nghiệp ra trường với tấm bằng trung bình, anh chàng chán nản không muốn đi làm ở cơ quan của cha mẹ, ở nhà suốt ngày chơi game, lướt net".
Một em học sinh lớp 12 đã viết thư tâm sự: “Ba mẹ em vốn đi đâu cũng nói rằng sẽ cho em học quản trị kinh doanh. Nhưng ba mẹ lại không để ý là em chả hề thích ngành ấy tí ti nào, em chỉ thích học ngành sư phạm Văn, trở thành một người giáo viên đứng lớp. Nhiều lần em cũng đã chủ động thăm dò xem ý định của ba mẹ thế nào. Ấy vậy mà mẫu số chung của ba mẹ luôn là: “Ông bà ta dạy Phi thương bất phú. Đi buôn mới giàu, suốt ngày gõ đầu trẻ thì tiền có văng ra không?”.
Em xin ba mẹ cho thi một lúc cả hai ngành Quản trị kinh doanh và Sư phạm, mẹ bảo làm vậy sẽ bị phân tán thời gian và phí công sức. Ngay sau đó tất cả các sách tham khảo cũng như tài liệu về khối C của em cũng bỗng dưng biến mất. Ba bảo: “Nếu năm nay thi tốt nghiệp không có môn Sử Địa thì sách vở của con mấy môn này sẽ biến mất ngay lập tức. Ba mẹ còn thống nhất ngày hôm thi khối C sẽ cùng nhau ở nhà đóng cửa để em không tới được trường thi. Áp lực từ phía ba mẹ còn khủng khiếp hơn là việc thi cử. Em phải làm sao đây?”.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, có thể độ tin cậy từ kết quả khảo sát trên là không hoàn toàn, nhưng vẫn đáng để thừa nhận rằng, đó là một thực trạng gây sốc. Khi điều tra lý do cụ thể, có hai lý do phổ biến nhất là: Học xong em mới thấy ngành này không giống em hình dung như hồi trước (tìm hiểu không kỹ); Vì em thi theo bắt buộc của gia đình. Ba em bắt học ngành này để tốt nghiệp ba đưa vào công ty của ba, mẹ muốn em học ngành này để sau này giàu có. Vì những lý do này mà nhiều sinh viên tự ép mình học ngành mà mình không hứng thú, cũng chẳng phù hợp, cố học cho có, cố thi cho ra trường. Và xã hội có thêm một cử nhân không có động lực làm việc và thất nghiệp!
80% học viên học nghề có việc làm
Ngày 15/3/2018, Bộ LĐ-TB&XH công bố Bản tin khảo sát thị trường lao động quý 4/2017. Theo đó, cả nước có 1.071.200 lao động trong độ tuổi thất nghiệp; số lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp trong quý 4/2017 là 215.300 người; nhóm trình độ cao đẳng có 78.800 người thất nghiệp. Điểm sáng của Bản tin khảo sát thị trường lao động quý 4/2017 là nhóm trình độ trung cấp có 64.600 người thất nghiệp. Nhóm này là nhóm chứng kiến sự sụt giảm số lượng thất nghiệp lớn nhất với 30.900 người, đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 2,49%, quý trước là 3,77%.
Từ điểm sáng này có thể thấy, đại học không phải là lựa chọn tốt nhất cho tất cả mọi người. Còn nhớ, năm 2016, ông Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề khi đó đã cho biết theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, trên toàn quốc lượng học viên, sinh viên học nghề ra trường có tới 70% có ngay việc làm, trong đó có những nghề, những trường đảm bảo 100% có việc làm. Có những ngành “hot”, doanh nghiệp vào tuyển dụng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. “Khi đi khảo sát thực tế trong các khu công nghiệp, có những nghề hiện thu nhập 100 triệu đồng/ tháng như nghề thợ hàn bậc cao 6G”, ông Sâm nói. Ông Sâm cũng cho rằng, khi đã có tay nghề, học sinh có nhiều con đường để lập nghiệp hơn. Ví dụ, nếu không làm thuê cho các doanh nghiệp, một thợ hàn, thợ cắt tóc, thợ làm móng tay… có thể ra mở tiệm làm riêng.
Tại Hội nghị “Đánh giá công tác tuyển sinh, tổ chức thi tốt nghiệp và giải quyết việc làm năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức đầu tháng 4/2018 cho thấy báo cáo của 63 sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2017 có tổng số 1.983.960 người tốt nghiệp các trường trung cấp và cao đẳng nghề. Tính trung bình, năm 2017 tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ trung cấp và cao đẳng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt 80%, trong đó tỷ lệ sinh viên cao đẳng ra trường có việc làm đạt 79%, trung cấp đạt 82%.
Ngày 4/4/2018, Chương trình giao lưu do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TBXH phối hợp cùng Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội . Ông Stephen Lunn - Đại sứ nghề Australia, giáo viên Giáo dục Đào tạo Nghề ngành Khách sạn, Trường Cao đẳng Guilford, Chủ tịch Liên đoàn Ẩm thực Australia, Chủ sở hữu Trường Nấu ăn Chefaholic cho biết mình bắt đầu con đường trở thành đầu bếp ở tuổi 15 và ông không thể tưởng tượng rằng công việc này sẽ đưa ông đến khắp nơi trên thế giới và đạt tới đỉnh cao của nghề nghiệp. Cô Emilia Montague nhân viên dịch vụ nhà hàng Tập đoàn Giải trí Ngôi sao với thành tích đoạt Huy chương xuất sắc tại Hội thi Tay nghề thế giới, ngành Dịch vụ nhà hàng năm 2017 chia sẻ việc học nghề đã khiến cô từ một người từng rất ngại ngùng và không tự tin khi nói chuyện với người khác, trở thành con người tự tin như bây giờ...