Theo đó, Hòa Bình công bố tình trạng khẩn cấp các công trình hồ chứa, đường giao thông, các vị trí sạt lở đất ảnh hưởng do mưa lớn trên địa bàn tỉnh gồm:
Các công trình hồ chứa đang xả tràn, có nguy cơ tràn qua thân đập, xuất hiện các hư hỏng, sạt trượt.., các công trình đã xuất hiện các hư hỏng sự cố từ trước, đặc biệt là các công trình đang chống lũ theo các phương án phòng chống lụt bão như công trình hồ Cháu, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, hồ Khang Mời, xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình, hồ Kem xã Địch Giáo, hồ Rộc Chu, xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc...
Các công trình giao thông, như: tuyến đường X2, đường 12B, tuyến C, đường TSA (Bãi Lạng - Bãi Chạo), tuyến Y1, tuyến T (Khoang - Nội), tuyến T (Chiềng - Lốc), Trường Sơn A (Ve - Chám), Quốc lộ 21, Quốc lộ 70B, các tuyến đường tỉnh: 438, 438B, 450... Các tuyến đường sạt lở tại một số điểm gây ách tắc, ngập úng cục bộ làm ảnh hưởng đến giao thông tìm kiếm cứu nạn.
Các điểm sạt trượt tại thành phố Hòa Bình và các huyện: Đà Bắc, Kim Bôi, Kỳ Sơn... xảy ra các điểm sạt lở đất, đá gây thiệt hại tài sản, cơ sở vật chất cho người dân.
Chủ tịch tỉnh Hòa Bình đồng thời yêu cầu cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên nắm bắt tổng hợp thông tin thiệt hại từ các địa phương báo cáo UBND tỉnh; các Sở, ban, ngành vàUBND các huyện, thành phố triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống thiệt hại do mưa lớn gây ra trên địa bàn toàn tỉnh. Trưởng các đoàn được giao phụ trách các huyện, thành phố chủ động nắm bắt thông tin diễn biến mưa lũ tại địa bàn được giao phụ trách, để chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó thiên tai.
Sáng nay, thuỷ điện Hoà Bình đã phải mở 7 cửa xả đáy. Theo Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, có thể phải mở thêm một cửa xả đáy do lưu lượng nước về hồ dự báo lên đến 12.000 m3/s.
Chủ tịch Hội đập lớn Phạm Hồng Giang cho rằng, thuỷ điện Hoà Bình xả lũ không gây ảnh hưởng lớn đến Thủ đô. “Hệ thống đê của Hà Nội được thiết kế trên 15 m. Mực nước hiện nay chỉ hơn 10 m nên sẽ không gây ảnh hưởng”, ông Giang thông tin trên VnExpress.
Theo bản tin phát lúc 11h30 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lúc 10h cùng ngày lưu lượng đến hồ Hòa Bình trên sông Đà đã tăng nhanh lên mức 14.720m3/s (trên Báo động - BĐ3: 2720m3/s), cao hơn giá trị lớn nhất cùng kỳ trong tháng 10: 220m3/s. Lúc 11h/11/10, lưu lượng đến hồ Hòa Bình giảm xuống mức 13.560 m3/s (trên BĐ3: 1560m3/s).
Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội đang lên chậm. Lúc 11h, mực nước Hà Nội ở mức 4,4m (dưới BĐ1: 5,1m)
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo lưu lượng đến hồ Hòa Bình trên sông Đà trong 6 giờ tới (tính đến 19h hôm nay) sẽ xuống mức 10.000m3/s (mức BĐ2). Trong 6-12 giờ tiếp theo, lưu lượng đến hồ Hòa Bình sẽ xuống mức 8.000 m3/s (mức BĐ1). Trong 12-24 giờ tiếp theo (từ 1h ngày 12/10 đến 1h ngày 13/10): Lưu lượng đến hồ Hòa Bình giảm xuống mức 5000m3/s (dưới BĐ1: 3000m3/s). Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Mực nước tại Hà Nội trên sông Hồng trong 12 giờ tiếp theo (tính đến 1h ngày 12/10) tại Hà Nội sẽ lên 6,8m (dưới BĐ1: 3,8m). Trong 12-24 giờ tiếp theo (từ 1h ngày 12/10 đến 1h ngày 13/10) sẽ lên: 9,8m (trên BĐ1: 0,3m).