Ngày 2/10, ông Bùi Văn Khánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chủ trì Hội nghị nghe báo cáo tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/9/2024.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Lê Huệ |
Theo đó, tính đến ngày 30/9, toàn tỉnh Hòa Bình giải ngân được 1.725,7 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 46% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án; số tuyệt đối cao hơn khoảng 267 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Về kế hoạch vốn đầu tư công được phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024, đến ngày 30/9 đã giải ngân 214,7 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt 48%; giải ngân chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đạt 2,6%; vốn ODA chưa thực hiện giải ngân.
Đáng chú ý, tỉnh Hòa Bình có 7 dự án được bố trí kế hoạch vốn từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 và cho phép kéo dài đến ngày 31/12/2024 để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở với tổng vốn được giao là 130 tỷ đồng. Đến ngày 30/9 mới giải ngân đạt 11% kế hoạch vốn giao.
Như vậy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Hòa Bình đến ngày 30/9 cao hơn so với mức trung bình 47% của cả nước. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn yêu cầu của Tỉnh ủy (phấn đấu đến 30/9, đạt tỷ lệ giải ngân trên 70% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao).
Theo tổng hợp của Sở KH&ĐT tỉnh Hòa Bình, trong 30 chủ đầu tư được giao thực hiện các dự án đầu tư công năm 2024, có 6 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đến 30/9 đạt trên 70%; 11 chủ đầu tư không đạt 70% nhưng cao hơn so với trung bình cả nước; 13 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình cả nước.
Tại Hội nghị, các chủ đầu tư báo cáo tiến độ thực hiện, giải trình nguyên nhân các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp. Nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu vẫn là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, một số dự án còn khó trong tìm kiếm nguồn đất đắp. Ngoài ra, tình hình mưa bão kéo dài cũng ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Văn Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương khắc phục nguyên nhân chủ quan dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp; chủ động đề xuất cắt giảm, điều chỉnh vốn giữa các dự án; nâng cao hiệu quả quản lý dự án; tăng cường phối hợp, gỡ vướng trong công tác giải phóng mặt bằng…
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình khẳng định: Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Vì thế, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương có quyết tâm chính trị cao, tư duy và cách làm hiệu quả, phấn đấu mức cao nhất khi thực hiện nhiệm vụ quan trọng này; phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo nguồn vốn Nhà nước được sử dụng hiệu quả.