Hòa Bình: “Thủ phủ” của các dự án du lịch nghỉ dưỡng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Là vùng đất nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng… Hòa Bình là lựa chọn hấp dẫn của các nhà đầu tư , đặc biệt là những nhà đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng. 
Hòa Bình thu hút nhiều dự án đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng
Hòa Bình thu hút nhiều dự án đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng

Sôi động thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Nếu như trước đây, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng tại Hòa Bình mới có sự tham gia của doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì hiện đã có hàng loạt các dự án quy mô của “ông lớn” trên thị trường như: Vingroup, Tập đoàn An Thịnh, Apec Group, Công ty Địa ốc Sài Gòn, Beru Group, Công ty Archi Reenco Hòa Bình, CTCP Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình …

Điển hình như mới đây, Công ty Cổ phần Archi Reenco Hòa Bình đã khởi công Dự án Lâm Sơn Resort, khu sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp có diện tích hơn 66 héc-ta tại huyện Lương, với tổng số vốn 800 tỷ đồng.

Vào hồi tháng 4/2021, Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hòa Bình – chủ đầu tư Khu công nghiệp Lương Sơn đã tham gia mảng bất động sản nghỉ dưỡng với việc ra mắt dự án Cullinan Hòa Bình Resort. Dự án có quy mô hơn 40 ha, ở khu vực hồ Hòa Bình với vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, gồm 256 căn biệt thự du lịch và 120 phòng nghỉ condotel.

Công ty Cổ phần Thương mại Du lịch Kim Bôi (thành viên thuộc Tập đoàn Apec) cũng vừa triển khai dự án Apec Sky Villas Kim Boi. Dự án có quy mô gần 36 ha, nằm trong khu khoáng nóng xã Hạ Bì, huyện Lương Sơn. Chủ đầu tư giới thiệu dự án sẽ cung cấp ra thị trường hơn 1.000 sản phẩm căn hộ khách sạn.

Dự án Parahills Hòa Bình Resortcó tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng

Dự án Parahills Hòa Bình Resortcó tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng

Một chủ đầu tư khác là Công ty Cổ phần Beru Group cũng đang triển khai dự án Parahills Hòa Bình Resort. Dự án nằm ở ở ven hồ Hòa Bình, xã Bình Thanh và xã Thung Nai, huyện Cao Phong có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng bao gồm 135 căn biệt thự và khối khách sạn….

Ông Phạm Ngọc Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản VME cho biết: “Thị trường bất động sản du lịchtại Hoà Bình đã có những cải thiện. Nếu như vào 3,4 năm trước, các dự án nghỉ dưỡng tại Hòa Bình vẫn còn khá nhỏ lẻ, manh mún với quy mô mỏ thì hiện nay nhiều chủ đầu tư đã chú trọng đến việc đầu tư bài bản những dự án lớn, có đơn vị vận hành uy tín hơn. Với lợi thế về tự nhiên, thời gian tới, Hòa Bình sẽ tiếp tục phát triển mạnh bất động sản nghỉ dưỡng”.

“Đất vàng” cho các nhà đầu tư du lịch nghỉ dưỡng

Theo thống kê, Hòa Bình có khoảng 20 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang được triển khai thực hiện với nguồn vốn lên tới nghìn tỷ đồng. Một số dự án kể đến như: Ivory Villas & Resort; La Saveur Hòa Bình; Legacy Hill Hòa Bình; Làng Sinh Thái Việt Xanh; Viên Nam Resort; Sakana Spa & Resort; Apec Kim Bôi – Apec Mandala Sky Villas Hòa Bình; khu đô thị Việt Âu; Para Hills Resort; Cullinan Resort; …. mang đến những cơ hội gia tăng giá trị cao, hấp dẫn giới đầu tư.

Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình với quy mô hơn 52.000 ha

Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình với quy mô hơn 52.000 ha

Mới đây, tỉnh Hòa Bình cũng công bố quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035 với quy mô hơn 52.000 ha. Trong đó, ở giai đoạn 1, từ nay đến năm 2025, các cơ quan sẽ tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ du lịch. Những năm sau đó là giai đoạn đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình phục vụ định hướng này. Đây là cơ hội “có một không hai” đối với những nhà đầu tư bất động sản, du lịch.

Với những lợi thế về quỹ đất cũng như giao thông thuận lợi gồm các tuyến đường: Đại lộ Thăng Long rộng 140 m; Quốc lộ 32 nối liền trung tâm Hà Nội; đường Hồ Chí Minh… tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Hòa Bình phát triển.

Gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản nghỉ dưỡng chính là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh.

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có 296 điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được quản lý bảo vệ, trong đó hơn 70 hang động chứa đựng những di chỉ khảo cổ của nền “Văn hóa Hòa Bình” thời tiền sử nổi tiếng thế giới cách đây hàng chục vạn năm. 41 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 53 di tích cấp tỉnh đã và đang được tu bổ tôn tạo từng bước phát huy giá trị…

Nguồn nước khoáng ở huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thuỷ thuộc 2 nhóm nước khoáng Bicabonat, Sunfatcanxi nguồn gốc hoà tan, rất có giá trị để phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng. Trong khi đó, 4 khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn- Ngổ Luông, Hang Kia- Pà Cò, Thượng Tiến, Phu Canh lại rất thích hợp để phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, sinh thái, nghỉ dưỡng….

Hội Cồng Chiêng của dân tộc Mường tại Hòa Bình

Hội Cồng Chiêng của dân tộc Mường tại Hòa Bình

Cùng với đó là sự độc đáo của bản sắc văn hoá thể hiện qua phong tục, tập quán, lối sống của các dân tộc Mường, Thái, Mông, Dao, Tày… được giữ khá nguyên vẹn với trên 20 lễ hội cộng đồng dân tộc như hội Cồng Chiêng, Lễ hội Khai Hạ, Lễ hội Chùa Tiên,…

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Tiềm năng nhất, giá trị nhất ở Hoà Bình là bản sắc dân tộc và cảnh quan thiên nhiên nhiên tươi đẹp. Tỉnh Hòa Bình nên tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú; đẩy mạnh liên kết, hợp tác để phát triển du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc để phát triển bền vững loại hình du lịch cộng đồng; tích cực quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch… Tuy nhiên, dù phát triển kiểu gì cũng phải giữ được bản sắc dân tộc, không phá vỡ cảnh quan”.

Thời gian tới, Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, đặc biệt là liên kết với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nước ngoài để mở rộng thị trường thu hút khách, thúc đẩy phát triển du lịch. Đồng thời, phát huy tối đa lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước./.

Đọc thêm