Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Sau tranh chấp còn có cơ hội hợp tác

(PLVN) - Không quan trọng thắng - thua, thông qua hòa giải, đối thoại tại tòa án, các bên tranh chấp cởi mở, thân thiện hơn và khả năng cao sẽ tiếp tục hợp tác. Đây được xem là một điểm sáng trong môi trường kinh doanh khi Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án được Quốc hội xem xét, thông qua…
Một buổi hòa giải cho các đương sự tại Trung tâm hòa giải đối thoại TAND TP Hải Phòng
Một buổi hòa giải cho các đương sự tại Trung tâm hòa giải đối thoại TAND TP Hải Phòng

Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án được kỳ vọng sẽ đưa ra một cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại để các tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết các tranh chấp mà không cần phải mở phiên tòa xét xử, rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc, đồng thời tiết kiệm kinh phí của Nhà nước và các bên…

Doanh nghiệp vẫn “sợ” ra tòa

Tại hội thảo góp ý Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và TANDTC phối hợp tổ chức mới đây, Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn dẫn kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm gần nhất và cho biết, đã có 45% doanh nghiệp (DN) có tranh chấp cho biết sẵn sàng mang tranh chấp ra toà giải quyết. Tuy nhiên, đó là với DN trong nước. Còn khi hỏi 2.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thì chỉ có 8% DN có câu trả lời tương tự.

Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án đang được TANDTC chủ trì xây dựng và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIV.

“Không có DN nào kinh doanh không cần Hợp đồng. Không có DN nào mà không cần giải quyết tranh chấp…” - ông Tuấn quả quyết. Theo ông, đặc điểm của những tranh chấp kinh doanh thương mại cho thấy, tỷ lệ lớn các tranh chấp này là tranh chấp hợp đồng. Một bên thường khởi kiện bên còn lại vì lý do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung hợp đồng. Các bên đa phần hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình, nhưng thường chây ỳ, không thực hiện. 

Vì thế, theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, nâng cao hiệu quả hoạt động của toà án, giảm chi phí giải quyết tranh chấp là vấn đề rất quan trọng để nâng cao uy tín, cải thiện chỉ số kinh doanh của DN nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thân thiện hiệu quả, thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Thẩm phán TANDTC, ông Tống Anh Hào cũng khẳng định con đường giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại là hiệu quả nhất, giải quyết vấn đề tranh chấp bằng cách thân thiện, sự đồng thuận sẽ giúp các bên đưa ra phương án giải quyết tốt nhất, sau khi giải quyết tranh chấp các bên còn tiếp tục hợp tác, làm với nhau. “Vừa rồi, tòa giải quyết tranh chấp của 2 DN, sau khi hòa giải, họ tiếp tục hợp tác với nhau…” - ông Hào cho hay.

Chi phí thấp, thành công cao

Theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể phân loại thành hai nhóm quy định về hòa giải là: Hòa giải, đối thoại trong tố tụng và hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng. Theo TANDTC, trong nhiều năm qua, hoạt động hòa giải, đối thoại trong tố tụng, ngoài tố tụng đã thu được kết quả đáng kể. 

Đánh giá, trong 2 năm qua hệ thống toà án có bước chuyển rất mạnh mẽ như công khai các bản án, công bố án lệ..., Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn khẳng định, việc ban hành Luật Hoà giải, đối thoại tại toà án sẽ khiến cho toà án trở nên thân thiện hơn, công lý được đảm bảo hơn. “Tuy nhiên, cần thảo luận kỹ về tác động của luật với tranh chấp thương mại, bởi tỷ lệ lớn trong tranh chấp hợp đồng chủ yếu do thiện ý thực thi chưa tốt, chính vì vậy hoà giải trong tranh chấp thương mại khác với các lĩnh vực khác…” - Trưởng ban Pháp chế VCCI lưu ý.

Theo thống kê của TANDTC và các cơ quan hữu quan, hòa giải trong tố tụng đạt trung bình hàng năm 50,6% tổng số các vụ việc; Hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng đạt 80,6%.

Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư, TANDTC đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án, sau gần 10 tháng thực hiện thí điểm, các trung tâm hoà giải, đối thoại tại toà án của 16 tỉnh, TP đã hoà giải thành, đối thoại thành gần 37.000 vụ việc, trên tổng số gần 47.500 vụ việc được hoà giải, đối thoại, đạt tỷ lệ 78,08%. 

Đại diện của TANDTC cũng chia sẻ thêm, giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại là một phương thức ít tốn kém. Chi phí trung bình cho 1 vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành chỉ chiếm 22% chi phí cho xét xử sơ thẩm 1 vụ việc dân sự, hành chính (1,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng). Đó là chưa kể nếu vụ việc phải qua xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm thì chi phí xét xử còn có thể tăng lên gấp hai, ba lần so với chi phí xét xử sơ thẩm.

Tuy nhiên, trong số các vụ việc hoà giải, đối thoại thành, số vụ việc về kinh doanh, thương mại chỉ đạt 39,43%, thấp hơn so với lĩnh vực hôn nhân gia đình (866%), lao động (52,5%), dân sự (47%).

Đọc thêm