Hòa giải viên giỏi Hà Nội tưng bừng tranh tài

(PLVN) -Ngày 24/9, UBND TP Hà Nội đã tổ chức vòng sơ khảo cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn TP – Cụm 2 với 10 đội thi đến từ các quận, huyện: Hoàng Mai, Long Biên, Đống Đa, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Chương Mỹ.

Phát biểu khai mạc cuộc thi, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương – Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi nhấn mạnh tới vị trí vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội và trong cộng đồng dân cư. Bà Hương cho biết, hiện nay Hà Nội có 5.444 tổ hòa giải với 35.053 hòa giải viên với 2.591 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”. Nhiều mô hình hay trong công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện, đặc biệt là mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã phát huy hiệu quả tích cực. Mạng lưới tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn thường xuyên và việc tổ chức bầu hòa giải viên được đa số các xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định của Luật hòa giải cơ sở.

Phần thi của đội Thanh Trì
Phần thi của đội Thanh Trì
Hội thi “Hòa giải viên giỏi” nhằm khẳng định ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc của công tác hòa giải trong cuộc sống đồng thời góp phần xây đắp tình làng, nghĩa xóm, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, góp phần phổ biến pháp luật đến với mọi tầng lớp Nhân dân, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, ổn định trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Với sự đầu tư công phu cùng sự đam mê, nhiệt huyết của mỗi thí sinh, Ban Tổ chức hy vọng các đội thi sẽ cố gắng, nố lực, cống hiến hết mình để đem tới cho khán giả các tiết mục sinh động, hấp dẩn, từ đó giúp Ban Tổ chức chọn 3 đội xuất sắc nhất để đại diện tham dự vòng chung khảo của thành phố.

Tại hội thi, các đội trải qua 3 phần thi: Lý thuyết, xử lý tình huống và năng khiếu. Tại phần thi lý thuyết, các câu hỏi trắc nghiệm là những vấn đề, tình huống pháp luật thường xảy ra trong thực tiễn công tác hòa giải trên tất cả các lĩnh vực như dân sự, hành chính, đất đai, hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình… 

Ngoài kiến thức pháp luật, nội dung thi còn đòi hỏi các thí sinh phải nắm bắt được các kiến thức về xã hội, đạo đức, phong tục tập quán tốt đẹp, hương ước, quy ước, văn hóa, văn học dân gian cần thiết cho hoạt động hòa giải ở cơ sở thì mới có thể trả lời tốt các câu hỏi. Với sự cố gắng nỗ lực hết mình, các đội đã thuyết phục và tạo được ấn tượng đối với Ban Giám khảo cũng như đông đảo khán giả đến cổ vũ hội thi bởi sự am hiểu pháp luật qua việc trả lời chính xác các câu hỏi.

Tại phần thi xử lý tình huống, bằng sự kết hợp hài hòa giữa cái lý, cái tình, bằng sự hiểu biết về kiến thức pháp luật cùng với sự khéo léo, kinh nghiệm của hòa giải viên, thí sinh các đội đã xuất sắc giải quyết các tình huống do Ban Tổ chức đưa ra liên quan đến những tranh chấp, mâu thuẫn về đất đai, tài sản thừa kế, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ gia đình.

Được mong chờ nhất là phần thi năng khiếu với nhiều tiết mục được đầu tư công phu, bài bản, diễn xuất gần gũi mà lôi cuốn. Trong đó, vấn đề nóng, dễ nảy sinh mâu thuẫn trong xã hội hiện nay là việc tranh chấp đất đai, tài sản, di sản thừa kế là đề tài được nhiều đội thi lựa chọn. Đội thi Phú Xuyên với tiểu phẩm “Thấu tình đạt lý” và đội thi Thanh Trì với tiểu phẩm “Tôi đã hiểu ra rồi” đã cùng khắc họa lên mâu thuẫn giữa vợ chồng người anh trai với cô em gái trong việc tranh chấp tiền đền bù đất mà bố mẹ để lại. Cả hai tiểu phẩm đã cùng khắc họa nhân vật người chị dâu tham lam, không muốn chia sẻ, giúp đỡ người em chồng có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, người anh trai tuy thương em gái nhưng không khuyên bảo, thuyết phục được vợ mình dẫn tới bất đồng. Tuy nhiên, sau khi nghe tổ hòa giải phân tích, giải thích về các quy định pháp luật về quyền thừa kế, các nhân vật đã giải quyết được mâu thuẫn một cách êm đẹp.

Phần thi năng khiếu của đội Hoàng Mai
Phần thi năng khiếu của đội Hoàng Mai

Cũng liên quan tới chủ đề trên nhưng đội thi Hoàng Mai đã đem đến tiểu phẩm “Tài sản vô giá” đầy hấp dẫn, sinh động và đậm tính nhân văn. Lấy bối cảnh gia đình có người bố mất sớm, chỉ còn mẹ già nuôi 3 chị em gái, tiểu phẩm đã khắc họa lên tính cách, hoàn cảnh khác biệt của 3 người con nhưng lại giống nhau ở một điểm là tranh giành tài sản thừa kế. Trước sự buồn bã, thất vọng và bất lực của người mẹ, tổ hòa giải đã can thiệp kịp thời đồng thời phổ biến quy định về chia di sản thừa kế để 3 người con hiểu. Sau khi nghe hòa giải viên thuyết phục, cả 3 người con đều nhận ra lỗi của mình và nhận ra rằng tình cảm gia đình mới là thứ tài sản vô giá nhất, không nên để đánh mất vì những thứ vật chất thông thường.

Phần thi của Đội Mỹ Đức
Phần thi của Đội Mỹ Đức

Ngoài ra, nhiều tình huống, vụ việc, tranh chấp nảy sinh khác trong đời sống hàng ngày của người dân cũng đã được các đội thi thể hiện một cách hài hước, dí dỏm mà không kém phần sâu sắc như: Tiểu phẩm “Câu chuyện nhà tôi” của đội Ứng Hòa đã phản ánh về tình trạng vứt xác lợn chết không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh. Đội thi Mỹ Đức với tiểu phẩm “Chuyện làng tôi” đã dựng lên mâu thuẫn rất đời thường tại làng quê đó là va chạm giao thông dẫn đến cãi vã, xích mích. Còn đội thi Long Biên thể hiện phần ca múa nhạc kịch đầy sôi động nhằm tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở…

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Thị Xuân Hương trao giải nhất cho Đội Hoàng Mai
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Thị Xuân Hương trao giải nhất cho Đội Hoàng Mai
Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Ban giám khảo đã chọn ra được đội đạt giải Nhất đó là đội Hoàng Mai; giải Nhì thuộc về đội Thanh Trì, Đống Đa; giải Ba thuộc về đội Thường Tín, Long Biên, Thanh Oai; các đội Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Chương Mỹ cùng đạt giải Khuyến khích
Một số hình ảnh trao giải:



Đọc thêm