- Chào Nguyễn Thị Loan, bạn là người đẹp rất tham gia nhiều các cuộc thi sắc đẹp trong nước lẫn quốc tế. Hậu trường các cuộc thi hoa hậu Loan từng tham gia trong nước, có nhiều “nghi án” thí sinh chỉnh sửa thẩm mỹ không?
- Ở các cuộc thi Loan tham gia thì chưa từng thấy có thí sinh nào bị loại vì đã phẫu thuật thẩm mỹ đụng dao kéo cả. Tuy nhiên Loan cũng có nghe từ bên lề một số cuộc thi khác hay trong các năm thi khác. Nhìn chung lại từ chính trải nghiệm của mình ở các cuộc thi sắc đẹp, Loan thấy đội ngũ nhân trắc học trong các cuộc thi đều làm việc chu đáo, chuyên nghiệp. Họ là những người có uy tín cao trong ngành nghề và qua những lần tiếp xúc Loan đều thấy sự nghiêm túc trong quá trình kiểm tra đo đạc để đảm bảo sự chính xác nhất cho thí sinh theo đúng quy định từ ban tổ chức dựa trên quy chế hiện hành. Loan hoàn toàn đồng ý vào các kết luận cuối cùng về nghi vấn phẫu thuật thẩm mỹ của thí sinh sau mỗi cuộc thi đặc biệt là với các “lùm xùm” từng xảy ra.
- Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch quy định những thí sinh “không qua phẫu thuật thẩm mỹ” mới được tham gia dự thi hoa hậu ở Việt Nam. Nhưng do công nghệ làm đẹp phát triển, nhiều thí sinh chỉ cần tiêm chất làm đầy tạo hình lại cơ thể như nâng mũi, nâng ngực, độn cằm… không động dao kéo và ban tổ chức khó phát hiện vẫn tham gia được. Là một người đẹp tham gia nhiều cuộc thi hoa hậu, Nguyễn Thị Loan thấy điều này sẽ thiếu công bằng cho các thí sinh không chỉnh sửa khác?
- Trên quan điểm cá nhân, Loan chỉ thấy thiếu công bằng khi cho phép người này tiêm chỉnh sửa sắc đẹp mà lại cấm thí sinh khác. Quy định chỉ cấm những thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ tức đã dùng tới dao kéo chỉnh sửa nhan sắc chứ không nõi rõ về việc "không cho chỉnh sửa bằng chất làm đầy" và việc sử dụng chất làm đầy filler tác động hay không thuộc về lựa chọn của mỗi thí sinh.
- Nếu như vậy thì rõ ràng tiêu chí chọn vẻ đẹp tự nhiên của các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam sẽ không giữ được. Dù không thí sinh không động dao kéo phẫu thuật thì vẫn là chỉnh sửa nhan sắc. Theo Loan, Việt Nam có nên thay đổi quy chế và cho các thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ tham gia bình thường không?
- Về vấn đề này trước đây Loan đã được nghe rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Ai cũng có quan điểm riêng của mình và đều có lý lẽ nên để tất cả đều thống nhất với một quan điểm thì rất khó. Vì vậy ở đây Loan chỉ nói về suy nghĩ của Loan trong vấn đề này như một ý kiến đóng góp riêng.
Loan cho rằng nên có các cuộc thi dành cho các thí sinh đã phẫu thuật thẩm mỹ mà ở đó chập nhận mọi hình thức can thiệp thẩm mỹ tách biệt với các cuộc thi mà thí sinh được yêu cầu không có bất cứ can thiệp thẩm mỹ nào chứ không phải chỉ là vấn để đụng dao kéo. Và cuộc chơi sẽ là như vậy. Khán giả sẽ biết trước, hiểu rõ và nhận được như mình kì vọng để tránh việc chúng ta cứ tung hô rồi lại bị hụt hẫng.
Loan cho rằng phẫu thuật thẩm mỹ là nhu cầu làm đẹp phát triển theo nhu cầu tự nhiên có thật và đó đâu có phải tội lỗi mà giấu giếm. Chẳng ai là hoàn hảo nên các cô gái có cách làm cho mình đẹp hơn và tự tin hơn cũng tốt. Nếu cấm hẳn các thí sinh đụng dao kéo không được thi mà các thí sinh tiêm chất làm đầy được thi thì mới là làm mất đi sân chơi của rất nhiều cô gái. Loan nghĩ ở đây không ai sai cả, chỉ là luật chơi chung chung quá thì dễ phát sinh mâu thuẫn về sau thôi.
- Đúng là quy định hiện tại về quy chế thi hoa hậu của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đang gây nhiều tranh cãi về cụm từ “không qua phẫu thuật thẩm mỹ”. Ngay cả ban tổ chức một số cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam cũng cho rằng phẫu thuật thẩm mỹ để chỉ các thí sinh dùng dao kéo sửa sắc đẹp, những thí sinh sử dụng chất làm đầy không liên quan.
- Loan thấy rằng cho đến hiện nay quy định không nói rõ thí sinh tiêm chất làm đầy filler là vi phạm, vậy các thí sinh ấy làm đúng. Họ có quyền làm cho mình đẹp hơn theo cách của họ miễn là không sai phạm. Nên thực sự xét về lý và tình, dư luận đã khi nào quá khắc nghiệt với nhiều người đẹp, hoa hậu sau khi họ nhận được giải thưởng sắc đẹp không?
Loan thấy không gì kinh khủng với người phụ nữ như việc đêm trước cô ấy được xướng tên là người đẹp nhất, sang ngày hôm sau cô ấy trở thành tội đồ để chê cười, mỉa mai, bị bới móc lại những hình ảnh thời còn chưa hoàn thiện dù cô ấy đã làm đúng luật. Tôi không ủng hộ điều này lắm vì tôi không muốn làm tổn thương bất kể ai bởi những việc họ không làm sai cả.
- Được biết bạn là thành viên ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam 2016 chuẩn bị diễn ra đêm chung kết vào tháng 5 này, Nguyễn Thị Loan có chia sẻ gì với các thí sinh tham gia không?
- Trước hết điều đầu tiên là Loan xin chúc mừng các thí sinh đã đăng kí dự thi. Vì phải rất tự tin, mạnh dạn các em mới dám đặt bản thân vào một trong những trải nghiệm chắc chắn là sẽ thú vị, đôc nhất trong cuộc đời mình. Loan ủng hộ điều đó, bởi dám dấn thân trải nghiệm là một tính cách quý cần thiết cho tuổi trẻ của chúng ta. Loan cũng đã phải từng suy nghĩ rất nhiều trong mỗi lần quyết định đến với một cuộc thi sắc đẹp nào đó mà đa phần sự ái ngại ở đó nằm trong việc sợ dư luận, định kiến xã hội nghĩ không tốt về mình. Nhưng làm được rồi thì nghĩ lại cũng không tệ đến thế, chỉ cần mình biết và hiểu mình là ai và mình đang muốn làm điều đó có ý nghĩa gì mà chẳng hề phương hại đến người khác thì làm thôi.
Sau đó là các em hãy giữ tinh thần thoải mái. Cuộc thi sắc đẹp đôi khi chỉ là trải nghiệm, là cuộc chơi nên hãy tạo cho mình sự lạc quan nhất để thể hiện là chính con người mình. Mài dũa để phát huy những thế mạnh nổi bật của mình cũng như hạn chế những mặt yếu của bản thân tới ban giám khảo. Ai trong các em được chọn vào tới vòng trong của các cuộc thi sắc đẹp nghĩa là các em đã rất nổi trội hơn nhiều người rồi mà giải thưởng thì không phải cho tất cả nên hãy cứ đến với tâm thế thoải mái các em sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn.
- Cảm ơn Nguyễn Thị Loan đã chia sẻ!