Hoa hậu, Người đẹp thời @ - Vàng thau lại lẫn lộn?

(PLVN) - Một thực tế là, nhiều các cuộc thi hoa hậu sau khi “cài” vương miện lên đầu người đẹp, ban tổ chức “quên” luôn kế hoạch “hậu đăng quang”. 
Lo ngại “nhà nhà có hoa hậu, người người là hoa hậu”? Ảnh minh họa.
Lo ngại “nhà nhà có hoa hậu, người người là hoa hậu”? Ảnh minh họa.

Họ không có chiến lược đầu tư cho hoa hậu để so tài sắc ở các cuộc  thi nhan sắc thế giới uy tín và làm lợi ích cho xã hội, cộng đồng. Họ bỏ lửng các hoa hậu của mình tự bơi trong showbiz. Những người được chọn với danh hiệu lần lượt dính vào vô số các vụ scandal, gây rối loạn dư luận, vi phạm pháp luật: Hoa hậu “chân dài, não ngắn”, hoa hậu “scandal”, hoa hậu “ảnh nude”, hoa hậu “bán dâm”… Việc “nới lỏng” quy định thi người đẹp, người mẫu khiến nhiều người hoài nghi về việc hoa hậu, người đẹp thời @ : vàng thau lại lẫn lộn.

Bát nháo các cuộc thi hoa hậu, người đẹp

Với quá nhiều cuộc thi được tổ chức trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, các nhà tổ chức bát nháo chụp giật, danh hiệu bị rẻ rúng không thương tiếc là điều dễ hiểu. Chẳng lạ, khi có người đẹp vứt danh hiệu vào xe rác, hoa hậu đòi trả  vương miện. Ví như, năm 2014, Trần Thị Ngọc Bích - một thí sinh tham gia cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam thẳng tay ném dải băng ghi nhận danh hiệu ‘Người đẹp hình thể’ vào sọt rác, “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam” 2011- Triệu Thị Hà đòi trả vương miện.

Việc “nổ” ra quá nhiều cuộc thi sắc đẹp khiến hoa hậu nhiều như lá mùa thu trong khi chất lượng hoa hậu ấy lại “hạn hán”. Hàng chục hoa hậu, người đẹp được đội vương miện trên đầu kéo theo hàng tá á hậu 1, á hậu 2, top 5, top 10... được tung hô sắc đẹp. Ấy vậy mà, mỗi lần tìm hoa hậu, người đẹp “chinh chiến” tại các cuộc thi sắc đẹp thế giới uy tín như: Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn Vũ, Hoa hậu Quốc tế, Việt Nam phải tìm “đỏ con mắt”.

Rất nhiều hoa hậu Việt “lẩn trốn” đi thi Hoa hậu thế giới. Nếu như Thùy Dung bị chê kém về học vấn và cung cách cư xử thì Thu Thảo được cho là kém về thể trạng cơ thể, còn Kỳ Duyên lại càng không đủ “trình” để đưa Việt Nam tiến xa hơn trên bảng xếp hạng nhan sắc thế giới.

Lý do, họ đưa ra nghe có vẻ rất hợp lý để “trốn” đi thi cuộc thi nhan sắc thế giới là: bận học, bận công tác xã hội, sức khỏe yếu… Còn một số nhan sắc khác chịu khó đi thi quốc tế như: Mai Phương Thúy, Trương Tri Trúc, Nguyễn Thị Loan Diễm, Phạm Hương, Lan Khuê thì bị “đo ván” ở vòng ngoài top 10, “trắng tay” ra về.

Ít nhan sắc dám đi đấu ở cuộc thi sắc đẹp quốc tế uy tín nhưng lại có khá nhiều người đẹp thi cuộc thi sắc đẹp “ao làng” tại các quốc gia khác. Thống kê đáng chú ý, 90% “Hoa hậu Việt Nam” trong năm 2017 đăng quang ở nước ngoài thông qua nhiều tên gọi khác nhau. Đối với sự quan tâm của người xem, sức ảnh hưởng mạng xã hội, những cuộc thi ở nước ngoài gần như là số 0 tròn trĩnh. Đa số cuộc thi không để lại hiệu quả về truyền thông hay dấu ấn trên các trang tìm kiếm. 

Các cuộc thi Hoa hậu, Nữ hoàng, Hoa khôi, Người đẹp không khác một “xe rác” thập cẩm với những hình ảnh lộn xộn, chộp giật. Ngỡ ngàng vì một cuộc thi nhan sắc quy mô toàn quốc “Hoa hậu Đại Dương” lại có sân khấu ở một bãi đất trống ngay khu vực quảng trường thành phố Phan Thiết, khá khiêm tốn và tạm bợ như thế, với các khán đài tạm trông không khác gì các show diễn đại nhạc hội ở tỉnh.

Hậu trường cho cả gần trăm người gồm thí sinh, trang điểm, làm tóc, trợ lý… là một cái nhà lều dã chiến được chia làm hai ngăn, nóng nực và tạm bợ trên một nền đất khá lởm chởm đá vụn. Đến mức người ta phải lót mấy miếng ván ép làm lối đi cho thí sinh ra sau sân khấu và đây là một thử thách cho các cô gái mang giày cao 2 tấc bước trên những tấm ván khá dập dềnh ấy.

Trước đêm chung kết, người viết được chứng kiến cảnh hậu trường lục đục giữa thành viên ban tổ chức và ê kíp tạo mẫu tóc đã trở thành mâu thuẫn khiến các nhà làm tóc cho các người đẹp đã “bãi công” bỏ về Sài Gòn ngay trong đêm.

Hay trong đêm chung kết “Nữ hoàng sắc đẹp”, do sân khấu được thiết kế quá nhỏ hẹp, các thí sinh lại đang khoác trên mình những bộ trang phục dạ hội hết sức đồ sộ và rườm rà nên để đủ chỗ, các thí sinh buộc phải chen chúc nhau. Một vài thí sinh không ngại “văng tục” hoặc tranh cãi ngay trên sân khấu để giành chỗ “mặt tiền”.

Các thí sinh tiếp theo của Top 7 lần lượt được công bố và trong lúc chờ MC công bố nốt những thí sinh còn lại, các thí sinh đứng trên sân khấu thản nhiên tạo đủ các kiểu dáng như: chu mỏ, giơ tay chữ V, xoay trái, xoay phải, chống cằm, ưỡn ngực… để người nhà ở dưới tranh thủ chụp ảnh. Cảnh tượng trên sân khấu lúc bấy giờ chẳng khác nào một vở xiếc bị lỗi kịch bản.

Cần siết lại quy định thi hoa hậu, người đẹp

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Sau bảy năm thực thi Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung Nghị định 79, bên cạnh mặt tích cực, nghị định hiện hành bộc lộ những hạn chế.

Như về phân định thẩm quyền giữa cơ quan quản lý nhà nước và biện pháp quản lý cụ thể đối với từng hoạt động nghệ thuật biểu diễn chưa hiệu quả, nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng nhưng không bị ngăn chặn, xử lý. Nhiều quy định chưa phù hợp thực tiễn cuộc sống...

Cục Nghệ thuật Biểu diễn trong năm qua được giao lập ban soạn thảo dự thảo nghị định mới, trên cơ sở kế thừa hai nghị định trước. Dự thảo nghị định mới gồm 6 chương, 44 điều,  nhiều thay đổi theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, nới lỏng tiêu chí tổ chức hoạt động biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu.

Thay đổi lớn nhất của dự thảo là quy định thi người đẹp, người mẫu. Bộ chủ trương phân cấp cho địa phương: Đối với thi người đẹp, người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam, Bộ căn cứ tình hình cụ thể từng năm để xem xét quyết định, nhưng không quá hai cuộc. Thi người đẹp, người mẫu toàn quốc thì cấp tỉnh, vùng, ngành, lĩnh vực sẽ phân cấp cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức vòng chung kết xem xét, mỗi năm không quá một cuộc tại địa phương.

Bộ cũng chủ trương không quy định phải đạt danh hiệu chính thức tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước khi thi quốc tế. (Quy định hiện nay phải đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi trong nước; được một tổ chức Việt Nam có đăng ký kinh doanh dịch vụ văn hóa nghệ thuật đại diện thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép dự thi).

Trong tương lai, thí sinh thi nhan sắc quốc tế chỉ cần đủ năng lực hành vi dân sự, đáp ứng các tiêu chí do BTC cuộc thi quy định, không vi phạm pháp luật hoặc không trong thời gian thi hành án, thời gian chấp hành kỷ luật dưới mọi hình thức và có giấy mời của BTC cuộc thi là đủ.

Việc nới lỏng quy định này khiến công chúng không khỏi lo ngại, sắp tới, Việt Nam là nước “nhà nhà có hoa hậu”, “người người là hoa hậu”, nhan nhản các cuộc thi “ao làng”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trong phiên góp ý dự thảo nghị định tại Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm 14/7/2020 nêu quan điểm “không nên phân cấp cho UBND tỉnh được phép phê duyệt thi người đẹp, người mẫu cấp quốc gia”. Ông Hiển nêu thực tế một số cuộc thi gây lùm xùm, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, nếu phân cấp cho địa phương càng khó. Hoạt động này cần được kiểm soát chặt chẽ hơn, ông Hiển nói.

Theo nhà biên kịch Chu Thơm - nguyên Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL), dư luận những năm gần đây liên tục đặt câu hỏi: Ở đâu ra lắm hoa hậu thế?, lẽ thường Cục NTBD nên siết lại các cuộc thi giờ lại nới lỏng, mở toang ra. Lắm cuộc thi quá, cuộc thi nào cũng lùm xùm, cũng có tì vết.

Lúc thì hoa hậu chưa học hết lớp 12, lúc thì hoa hậu dối trá lấy chồng rồi nói chưa, có cô hoa hậu đăng quang rồi sống nhố nhăng. Tôi hoàn toàn không muốn tổ chức thi hoa hậu, người đẹp dày đặc, càng không muốn đưa về các tỉnh. Bởi để tham gia cuộc thi, có người phải bỏ bê rất nhiều thứ để dồn vào đó, quanh năm ngày tháng chỉ đi thi để sau một đêm được đổi đời”.

Với dự thảo mỗi tỉnh thành mỗi năm được cấp phép 1 cuộc thi  thậm chí đến 4 cuộc (phương án 2), về lý thuyết mỗi năm nước ta có thể cấp phép đến hơn 60, thậm chí hơn 250 cuộc thi. Và 250 cuộc thi ấy lại “đẻ” ra hàng ngàn, chục ngàn các danh xưng: Hoa hậu, Hoa khôi, Á hậu, Người đẹp… Và 5 năm sau, con số Hoa hậu, Hoa khôi lại tăng thêm gấp nhiều lần. Chỉ nghĩ đến đó, nhiều người đã thấy ớn lạnh!

Về khả năng đẻ ra hàng loạt cuộc thi nhan sắc mỗi năm, NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cho rằng, miễn các đơn vị tổ chức đủ năng lực và nhân dân vẫn có nhu cầu. Ông Vinh tin rằng không có kịch bản “loạn”, bởi “lấy đâu ra thí sinh, kiếm đâu ra kinh phí mà tổ chức nhiều”.

Ông phân tích: Thực tế cho thấy chỉ một số thành phố lớn đủ tiềm lực và điều kiện thi người đẹp, người mẫu và cũng không nhiều doanh nghiệp, đơn vị đủ uy tín tổ chức thi nhan sắc. “Nghị định mới đúng là chủ trương phân cấp cho địa phương, đi liền với đó là tăng cường hậu kiểm, xử phạt mạnh hơn chứ không nhắc nhở nhẹ nhàng. Đi kèm với nghị định này bao giờ cũng có nghị định xử phạt để phối hợp thanh tra nhằm điều chỉnh, xử phạt các hành vi vi phạm”.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, cần “phòng” còn hơn là “chữa”. Việc “mở cửa” quy chế có thể dẫn đến việc bát nháo các cuộc thi. Dù cho có nghị định xử phạt các hành vi vi phạm của ban tổ chức cuộc thi cũng như thí sinh nhưng dư luận không khỏi lo ngại việc xử phạt “nhẹ hều” như “chổi lông gà quét bã cao su” hay quy chế xử phạt phải… mướt mải chạy theo những người đẹp!