Vang bóng một thời
Tìm đến tổ 18, quận Long Biên, Hà Nội – hỏi thăm nhà vận động viên Nguyễn Huyền Trang thì hầu như ai cũng biết. Bước vào căn nhà chúng tôi sửng sốt khi bắt gặp hình ảnh người phụ nữ dáng người nhợt nhạt, bước đi nặng trĩu, đội trên mình chiếc mũ để “ngụy trang” cho tình trạng rụng tóc.
Chứng kiến cảnh tượng đó khiến ai cũng xót xa vì ít ai nghĩ rằng cô gái đó đã từng là “hoa khôi” đá cầu của đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 2 chị em tại Hà Nội. Bố mẹ là công nhân đã nghỉ hưu. Huyền Trang đến với thể thao như một mối nhân duyên. Năm 1999 khi đang theo học tại trường THPT Cát Linh trong một lần thi đấu tại trường, nhờ có năng khiếu bẩm sinh nên Trang được chọn vào danh sách những học sinh triển vọng và sớm vào đội tuyển trẻ Hà Nội.
Vào đội tuyển Hà Nội, Trang luôn luyện tập hết mình. Sau 2 năm tập luyện miệt mài Trang được gọi vào đội tuyển quốc gia tập luyện và thi đấu khi vừa tròn 15 tuổi. Khi được chọn vào đội tuyển trẻ Hà Nội, chị vô cùng vui sướng vì niềm đam mê với thể thao cũng như muốn được đi đây đi đó đem sức mình cống hiến cho thể thao nước nhà.
Tuy nhiên vì lo cho tương lai của con gái nên mẹ chị phản đối quyết liệt. Nhiều lần chị đi tập về, mồ hôi lã chã mẹ lại giấu giày đi và càng phản đối kịch liệt hơn. Có lần chị phải nhờ đến sự can thiệp của bố để tiếp tục được tham gia tập luyện. Lâu dần thấy con gái ngày càng đam mê với đá cầu nên mẹ đã phải “đầu hàng”.
Đến với thể thao Việt Nam từ rất sớm, tên tuổi của Huyền Trang ngày càng tỏa sáng và được nhiều khán giả yêu mến. Không chỉ có những trận cầu thi đấu trong nước mà cô còn được cử sang Liên Xô, Thái Lan, Trung Quốc… để thi đấu.
Huyền Trang sớm trở thành trụ cột thể thao bộ môn đá cầu suốt những 2000- 2007. Đây cũng là thời điểm đỉnh nhất của cô với những thành tích vang dội như: 2 HCV nội dung đồng đội nữ và đôi nữ tại SEA Game 22, 2 HCV thế giới năm 2005, 2007 và nhiều huy chương ở các giải đấu khác trong nước. Không chỉ tài năng, Huyền Trang còn là một hoa khôi có tiếng vì sở hữu dáng người cao và khuôn mặt khả ái trong làng thể thao Việt Nam.
|
Huy chương từ những cuộc thi đấu |
Đấu tranh giành sự sống hàng ngày
Từng ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ với hình ảnh là người con gái xinh đẹp, giỏi giang và mạnh mẽ. Nhưng bước ra đời thực VĐV Huyền Trang cũng chỉ là một người con gái bình thường với những mong ước được sống hạnh phúc bên gia đình và thực hiện thiên chức của một người phụ nữ.
Năm 2007, gác lại niềm đam mê thể thao, Huyền Trang lập gia đình với người đàn ông quen biết khi tham gia thi đấu. Mất mấy năm để ổn định cuộc sống, sinh và chăm con. Thế nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, những mâu thuẫn bất đồng là nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân của chị nhanh chóng đổ vỡ. Ngày ra tòa chị giành quyền nuôi nấng một trong hai người con.
Nỗi buồn khi phải gác lại những đam mê của tuổi trẻ và chịu đựng nỗi đau từ cuộc hôn nhân không trọn vẹn có thể quật ngã những trái tim yếu đuối nhưng với một người giàu nghị lực như Huyền Trang thì khác. Sau những ngã rẽ ấy, người phụ nữ vẫn kiên cường đứng vững vì gia đình, vì con và vì chính mình. Sau khi ly hôn chị dọn về ở chung cùng bố mẹ đẻ.
Để có tiền chi tiêu và chăm sóc các con, chị Trang xin làm nhân viên bán hàng tại một cửa hàng điện thoại tại Hà Nội. Một thời gian sau, khi cuộc sống đã dễ thở hơn, niềm đam mê với thể thao lại cháy lại.
Năm 2012 chị quay lại với bộ môn đá cầu và thi đấu trong màu áo đội tuyển Đà Nẵng. Cuộc sống vừa ổn định, sự nghiệp vừa chớm nở, nhưng số phận trớ trêu vẫn đánh gục chị bằng những cơn đau của căn bệnh hiểm nghèo.
Năm 2013, Huyền Trang phát hiện sức khỏe mình bất ổn, chị đến bệnh viện K Hà Nội và được chuẩn đoán là khối u vú lành tính. Tuy nhiên, một năm sau đó chị Trang thấy lưng và cột sống của mình ngày càng đau hơn, di chuyển gập người khó khăn hơn, ảnh hưởng nhiều đến quá trình tập luyện.
Chị Trang tiến hành khám tổng thể và làm xét nghiệm xương thì bàng hoàng phát hiện mình bị ung thư vú giai đoạn cuối, nghiêm trọng hơn là các tế bào ung thư đã di căn đến xương.
Cô gái vàng của môn đá cầu buồn bã nhớ lại, khi cầm kết quả xét nghiệm trong tay, chị suy sụp, bản thân như chết lặng và chán nản. Nhưng chị ý thức được rằng căn bệnh ung thư có thể khiến chị phải rời xa bố mẹ và các con nên chị cố gắng gượng dậy.
“Bản thân luôn dặn lòng không được gục ngã, tôi có bố mẹ hết mực thương yêu, có hai đứa con thơ. Nếu tôi có mệnh hệ gì thì họ là những người đáng thương nhất. Tôi dặn bản thân mình phải lạc quan yêu đời, sẵn sang chiến đấu với nó”, Huyền Trang tâm sự.
Vào cuối năm 2014, Huyền Trang bắt đầu điều trị và phẫu thuật xương tại bệnh viện 108. Chi phí cho ca phẫu thuật lên đến 100 triệu đồng nhưng tình trạng sức khỏe vẫn không có tiến triển tốt và bệnh viện trả về nhà điều trị trong sự lo âu của người nhà.
Tháng 5/2015 Huyền Trang nhập viện trong tình trạng liệt nửa người, toàn bộ chân mất cảm giác, 4 đốt sống lưng bị sụp khiến chị đau đớn đến tê dại. Mọi sinh hoạt cá nhân của chị Trang đều phụ thuộc vào người thân. Qua 6 lần truyền hóa chất và xạ trị ung thư đôi chân của Trang đã dần hồi phục và có thể tự mình di chuyển được vài bước. Nhưng tóc của Huyền Trang bị rụng hết, da nhợt đi và đôi mắt thâm quầng.
Trải qua 2 năm điều trị, kinh tế gia đình sụt giảm đi rất nhiều. Huyền Trang cho biết từ những ngày thi đấu môn đá cầu, tiền lương mỗi tháng chị nhận được hơn 1 triệu đồng. Từ khi bị bệnh, mọi sinh hoạt chi tiêu từ lớn đến bé đều do một tay bố mẹ cáng đáng. Số tiền chữa trị từ những lần mổ xương và xạ trị đều do bà con, bạn bè thân thích góp lại.
Bao năm khoác trên mình vì màu cờ sắc áo cho quốc gia nhưng đến khi lâm bệnh Trang lại không được bảo hiểm y tế. Số tiền chữa trị ngày càng nhiều nên bố mẹ đã phải mua cho con gái bảo hiểm tự nguyện dành cho người có thu nhập thấp.
Đầu năm 2016 nhờ sự chăm sóc của gia đình và được bạn bè động viên VĐV Huyền Trang đã hồi phục lại sức khỏe, khuôn mặt hồng hào và mái tóc mọc trở lại. Ngoài thời gian điều trị ngoại trú, Trang có tham gia làm thủ qũy câu lạc bộ thể thao của quận Long Biên.
Những lần có sự kiện gì Trang đều tham gia để tự tìm lại niềm vui của mình từ những đồng nghiệp. Tháng 3/2016 Huyền Trang được đồng nghiệp cũ mời sang Thái Lan chơi để giúp cô được sống vui vẻ hơn.
Hiện nay, mỗi tuần Huyền Trang đều phải đến Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội để kiểm tra và xạ trị. Trung bình mỗi tuần, chi phí điều trị cho Trang xấp xỉ 15 triệu đồng. Tuy nhiên, sức khỏe của Trang đã xấu đi nhiều, do truyền hóa chất và thuốc giảm đau nhiều nên dạ dày của chị bị ảnh hưởng nặng.
“Mới tháng trước Trang khỏe hơn chút, nhưng hiện nay ăn gì cũng nôn ra, sữa cũng không uống được nữa. Ung thư đã di căn hết, đến ngồi cũng khó khăn, Trang toàn phải ngồi thẳng lưng lên. Khối u trong vú đã to và gắn chặt trong da khiến Trang đau.
Con tôi cũng xác định tư tưởng rồi, giờ chỉ biết cố gắng được ngày nào qua ngày đó. Từ khi Trang bị bệnh các cháu đã phải gửi qua nhà nội chăm sóc và hàng tuần thì đón sang cho chúng gần mẹ”, mẹ VĐV nghẹn ngào.
Cuối buổi trò chuyện, chị trầm tư bảo: “Cuộc đời vận động viên cũng có nhiều bất cập lắm, có những phút vinh quang tự hào khi đại diện cho một quốc gia để thi đấu với nước bạn. Thắng lợi sẽ được ghi nhận, vinh danh. Nhưng, môn đá cầu chưa phải là môn thể thao phổ biến, từ giã sân đá chúng tôi lại trở về với cuộc sống mưu sinh thường ngày”.