Người trẻ Mỹ ngày càng lo âu, sợ hãi
Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, khoảng 30% thanh thiếu niên Mỹ cho biết tình trạng sức khoẻ tâm thần của họ rất kém, khoảng 40% cho biết thường xuyên cảm thấy buồn bã hoặc vô vọng kéo dài. Theo Liên minh Quốc gia về bệnh tâm thần, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai ở những người từ 15 đến 24 tuổi ở Hoa Kỳ. Gần 20% học sinh trung học cho biết có ý định tự tử nghiêm trọng và 9% đã cố gắng tự tử. Với những con số đáng báo động, các gia đình Mỹ ngày càng lo lắng hơn về tình trạng sức khoẻ tâm thần của con cái, phổ biến nhất là chứng lo âu và bệnh trầm cảm.
Cuộc khủng hoảng về sức khoẻ tâm thần tại Mỹ trở nên trầm trọng hơn do sự cô lập, nỗi sợ hãi và bất ổn trong và sau đại dịch. Theo một thống kê khác, hơn 200.000 trẻ em Mỹ đã mất một hoặc cả hai cha mẹ vì COVID-19, trong khi hàng triệu trẻ em khác từng ít nhất một lần chứng kiến những người thân yêu, bạn bè, người quen bị bệnh tật hoặc phải nhập viện trong bối cảnh dịch bệnh. Nỗi đau buồn, lo lắng và sợ hãi đó vẫn để lại dư âm sâu đậm kéo dài sau khi toàn xã hội đã trở lại nhịp sống bình thường. Bên cạnh đó, đại dịch cũng gây ra sự gián đoạn lớn trong cuộc sống hàng ngày của giới trẻ, khi hàng triệu thanh thiếu niên đã phải ngừng học tập trong một khoảng thời gian nhất định. Họ cũng bị ngắt quãng đời sống xã hội như gặp gỡ bạn bè, sinh hoạt câu lạc bộ, tham gia các môn thể thao, nghệ thuật, …
Trong khi đó, nỗi lo lắng về tài chính gia đình cũng đang “đè nặng” lên các thế hệ trẻ nhiều hơn khi tình trạng mất việc làm, tái cơ cấu lao động, mất bảo hiểm y tế, giá thuê nhà tăng lên, các khoản trợ cấp học tập hạn chế,… ngày càng trầm trọng. Khi cha mẹ gặp khó khăn kinh tế, trẻ em và thanh thiếu niên cũng phải nỗ lực hỗ trợ gia đình để đảm bảo cuộc sống ổn định, với rất nhiều mối lo âu, vô định về một tương lai thiếu bền vững: Làm thế nào họ có đủ khả năng để đi học đại học hoặc trả hết nợ sinh viên? Liệu họ có thể mua nhà riêng hoặc đủ khả năng chăm sóc sức khỏe không?... Trong khi đó những dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, chữa trị thường rất tốn kém, đẩy nhiều trẻ em, người trẻ phải âm thầm tự “vật lộn” với các căn bệnh tâm thần vì không có khả năng tiếp cận với các dịch vụ này.
Sự phụ thuộc vào mạng xã hội cũng khiến nhiều người trẻ cảm thấy tiêu cực hơn trong suy nghĩ và lối sống. Hiện nay, hầu hết trẻ em Mỹ dành hơn 5 giờ mỗi ngày trên mạng xã hội hoặc chơi trò chơi điện tử. Theo một nghiên cứu nội bộ năm 2020 của công ty Meta (sở hữu Facebook và Instagram), có tới 32% thiếu nữ cho biết họ cảm thấy tồi tệ hơn về cơ thể mình khi sử dụng Instagram quá nhiều; hơn 40% người dùng Instagram cũng chia sẻ thường xuyên cảm thấy bản thân “kém hấp dẫn”. Điều tương tự cũng xảy ra với một bộ phận không nhỏ người dùng Facebook, X (Twitter), Snapchat, TikTok và các nền tảng truyền thông xã hội khác, trong đó phần lớn đều là người trẻ.
Mạng xã hội khiến nhiều người dùng cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân. (Nguồn: New York Times) |
Chưa dừng ở đó, người trẻ Mỹ cũng đang phải đối mặt với những vấn đề bất ổn ở góc độ quốc gia và toàn cầu. Trước hết, đó là vấn đề bạo lực súng đạn. Chỉ tính riêng trong khoảng 6 tháng đầu năm 2023 đã có hơn 200 vụ xả súng hàng loạt ở hầu hết các bang tại Hoa Kỳ. Tiếp theo đó là cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu đang cận kề, kèm theo những thông tin liên tiếp về tình trạng thiên tai, thời tiết cực đoan, khó lường. Bối cảnh thực tế này đang ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần của hàng chục triệu người trẻ Mỹ.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần bị quá tải
Đáng nói, chi tiêu bình quân đầu người cho việc chăm sóc sức khoẻ tại Mỹ cao khoảng gấp đôi so với hầu hết các quốc gia phát triển khác trên thế giới. Với hệ thống chăm sóc sức khoẻ đắt đỏ, ước tính khoảng 85 triệu người Mỹ không được bảo hiểm y tế chi trả hoặc chỉ nhận được mức bảo hiểm y tế thấp. Hệ quả là hàng chục triệu người dân không đủ khả năng chi trả cho các phương pháp điều trị sức khoẻ tâm thần cần thiết, trong đó phần lớn thanh thiếu niên và tất cả trẻ em vẫn là người phụ thuộc trong gia đình. Thậm chí, ngay cả khi có bảo hiểm chi trả đầy đủ, nhiều người dân vẫn khó tìm thấy hoặc tiếp cận được bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học, nhà tư vấn sức khoẻ hoặc nhân viên xã hội tại nơi họ sinh sống. Một trong những nguyên nhân chính là bởi lực lượng lao động trong ngành y tế, đặc biệt về sức khoẻ tâm thần, đang thiếu hụt trầm trọng.
Được công bố tại Hội nghị Thị trưởng Hoa Kỳ (USCM) vào tháng 6/2023 tại thành phố Columbus (bang Ohio), cuộc khảo sát mới nhất tại 117 thành phố ở 36 tiểu bang đã cho thấy một bức tranh rõ rệt hơn về cuộc khủng hoảng sức khoẻ tâm thần trên toàn nước Mỹ. Cụ thể, 97% thành phố chứng kiến nhu cầu về dịch vụ sức khỏe tâm thần đã tăng mạnh trong hai năm qua, trong khi đó 88% người dân không đủ khả năng tiếp cận các nguồn lực chăm sóc sức khỏe tâm thần cần thiết. Tình trạng lạm dụng chất gây nghiện gia tăng là nguyên nhân chính tại hầu hết các thành phố khiến sức khoẻ tâm thần người dân giảm sút. Ngoài ra còn có các nguyên nhân lớn khác như dịch bệnh và tình trạng vô gia cư. Bệnh trầm cảm dẫn đầu danh sách các vấn đề sức khoẻ tâm thần cơ bản ở người trẻ ở 89% các thành phố được khảo sát. Trong khi đó, có 82% thành phố báo cáo rằng họ đã phát triển các sáng kiến hoặc chương trình mới hoặc tăng nguồn tài trợ cho các chương trình đã có để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ sức khỏe tâm thần trong các nhóm cộng đồng cụ thể. Tựu trung lại, kết quả cho thấy, ở hầu hết các thành phố được khảo sát, nhu cầu về dịch vụ sức khỏe tâm thần ngày càng tăng, trong khi rất ít thành phố có đủ nguồn lực cần thiết để đáp ứng.
Nhiều người dân Mỹ không thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cần thiết, phải tự “vật lộn” với lo âu, trầm cảm. (Nguồn: Getty Image) |
Hillary Schieve, Thị trưởng thành phố Reno (bang Nevada), cho rằng: “Đây là hồi chuông cảnh báo về cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở Hoa Kỳ. Thách thức ngày càng gia tăng qua thời gian nếu không có giải pháp. Trước bối cảnh này, các thị trưởng cùng với các nhà lãnh đạo tiểu bang và liên bang sẽ phải làm việc cùng nhau để mang lại cho mọi người dân sự giúp đỡ mà họ cần để cải thiện tình trạng sức khoẻ của họ”. Theo đó, chính phủ liên bang Hoa Kỳ cũng đang bày tỏ sự quan tâm nhiều hơn về sức khoẻ tâm thần trong các chương trình nghị sự, soạn thảo luật nhằm cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ở cả cấp độ liên bang và tiểu bang.
Sức khỏe tâm thần đã trở thành một chủ đề nổi bật hơn tại Mỹ, đặc biệt trầm trọng hơn sau đại dịch. Theo đó, khi các vấn đề về sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng, tình trạng thiếu nguồn lực cũng trở nên rõ ràng hơn. Tiến sĩ Robert Trestman, chủ tịch Hội đồng Tài chính và Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA), phân tích: Về mặt tích cực, khi vấn đề sức khỏe tâm thần trở nên phổ biến và ít định kiến hơn, nhiều người cảm thấy thoải mái hơn khi tìm tới các dịch vụ chăm sóc, khiến số người được chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tâm thần gia tăng. Về mặt kém tích cực hơn, nhiều người dường như đang gặp nhiều khó khăn hơn sau những gián đoạn xã hội như đại dịch, suy thoái kinh tế toàn cầu, do đó khó thể tiếp cận hoặc không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần. Tuy nhiên, gốc rễ vấn đề có thể sâu xa hơn thế, không chỉ do cầu đang vượt quá cung, mà nguồn cung cấp ngay từ đầu đã rất hạn chế, khi từ trước đến nay, các vấn đề về sức khoẻ tâm thần vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.