Đây là cơ hội để các chuyên gia, cán bộ pháp lý của hai nước có điều kiện tiếp cận, hiểu biết nhiều hơn về hệ thống pháp luật hình sự, tố tụng tư pháp của mỗi nước và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong thực thi pháp luật.
Phát biểu khai mạc, ông Trịnh Xuân Toản, Ủy viên chuyên trách kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương cho biết đây là Hội thảo đầu tiên về pháp luật hình sự và tố tụng tư pháp Việt Nam – Hoa Kỳ. Hội thảo là hoạt động nằm trong chương trình triển khai thực hiện thỏa thuận về thúc đẩy quyền con người và CCTP nêu trong Tuyên bố chung do Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký với Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và thỏa thuận giữa hai nước về trợ giúp thực thi pháp luật, tư pháp hình sự ký vào tháng 5/2016.
Ông Toản nhấn mạnh, CCTP là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, năm 2005 Việt Nam đã ban hành Chiến lược CCTP, trong đó xác định rõ mục tiêu: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”.
Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện chiến lược CCTP, tổ chức, hoạt động tư pháp tại Việt Nam đã có nhiều đổi mới và đạt được nhiều kết quả tích cực. Hệ thống pháp luật có liên quan đến hoạt động tư pháp đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ nêu trong Chiến lược CCTP xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đặc biệt là năm 2013, Quốc hội đã sửa đổi Hiến pháp, xác định rõ hơn các nội dung về quyền con người, quyền công dân và trách nhiệm của cơ quan công tố, cơ quan xét xử trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Năm 2014, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức TAND, VKSND, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và chủ trương, định hướng về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan nêu trong Chiến lược CCTP. Năm 2015, 2016 và đầu năm 2017, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước…
Nhấn mạnh CCTP là vấn đề cấp thiết đối với bất kỳ quốc gia nào, ông Brett Blackshaw, Quyền Phó Đại sứ Hoa Kỳ cho rằng hệ thống pháp luật, tư pháp mỗi nước cần có sự phát triển, không ngừng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè quốc tế, đồng thời tuân thủ cam kết quốc tế để làm cơ sở vững chắc cho phát triển kinh tế, xã hội. Hoan nghênh Việt Nam khi đang xây dựng và ngày càng hiện đại hóa nền tư pháp hình sự, ông Brett Blackshaw khẳng định Chính phủ Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam để thực hiện hiệu quả các hoạt động trong quá trình CCTP cũng như các chương trình khác để làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.
Tại Hội thảo, các cán bộ của Văn phòng Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương đã giới thiệu khái quát về hệ thống tư pháp hình sự Việt Nam và những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và một số văn bản pháp luật có liên quan. Các chuyên gia của Hoa Kỳ tập trung giới thiệu về cơ chế bảo đảm tính độc lập và việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên đương sự trong quá trình xét xử tại các tòa án Hoa Kỳ; cơ chế hoạt động của các cơ quan điều tra, công tố; mô hình tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động hỗ trợ tư pháp; vai trò, trách nhiệm của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ...
Trên cơ sở đó, các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận các vấn đề cùng quan tâm, trọng tâm là những vấn đề có liên quan đến pháp luật hình sự, tố tụng tư pháp Việt Nam và kinh nghiệm của các cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật về tư pháp hình sự ở Việt Nam trong thời gian tới. Hội thảo sẽ kéo dài đến hết hôm nay (4/10).