Ngành Công an tích cực bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý

(PLO) - Công tác TGPL nói chung và công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng nói riêng là việc làm mang đậm ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. Đối với công tác phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng giữa các bộ, ngành có liên quan, sự tham gia tích cực của Bộ Công an vào hoạt động này trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. 
Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Theo đó, các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ Tư pháp, xây dựng và từng bước hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bộ Công an cũng thường xuyên tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, tiến hành kiểm tra về các nội dung như cơ cấu, tổ chức của Trung tâm TGPL Nhà nước; công tác quán triệt, phổ biến pháp luật về TGPL cho cán bộ, chiến sĩ; việc giải thích cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và các đương sự khác biệt về quyền và nghĩa vụ về TGPL; các điều kiện bảo đảm cho công tác TGPL…

Về công tác truyền thông, đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền nội dung Luật TGPL, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp thông tin, truyền thông về TGPL, nhất là đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa, miền núi là những người có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có trình độ dân trí thấp. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng trong lực lượng CAND còn chỉ đạo các cơ quan thực hiện công tác quản lý tạm giữ, tạm giam phối hợp với cơ quan TGPL để tuyên truyền, phổ biến quyền được TGPL của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và hướng dẫn họ thực hiện các quyền đó như niêm yết Bảng thông tin, Tờ thông tin về người được TGPL, Hộp tin TGPL, mẫu đơn yêu cầu TGPL, tờ gấp pháp luật… Mặt khác, các cơ quan quản lý công tác tạm giữ, tạm giam phối hợp với cơ quan điều tra, điều tra viên để tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL thực hiện các hoạt động trợ giúp như gặp gỡ người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Cùng với đó, với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan điều tra trong CAND khi tiến hành các hoạt động tố tụng luôn tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự và quy định của Luật TGPL về bảo đảm quyền được bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị tạm giam trong tố tụng và bảo đảm quyền của người thực hiện việc bào chữa cho người bị tạm giữ, bị tạm giam. Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra, điều tra viên đã giải thích cho người bị tạm giữ, bị tạm giam về quyền được bào chữa, quyền được TGPL (đối với những người thuộc diện được TGPL), đồng thời giúp đỡ, tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền đó một cách cụ thể. Mặt khác, cơ quan điều tra, điều tra viên phối hợp với Trung tâm TGPL, trợ giúp viên pháp lý, luật sư, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên TGPL… tiến hành các thủ tục cần thiết để tiến hành TGPL cho người được TGPL.

Trung tướng, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) Nguyễn Ngọc Anh đánh giá: Dưới sự chỉ đạo, điều hành của Hội đồng liên ngành Trung ương, lãnh đạo Bộ Tư pháp, công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại Công an các địa phương được duy trì ổn định và từng bước nâng cao, góp phần bảo đảm trên thực tế quyền của đối tượng được TGPL khi tham gia tố tụng. Trong thời gian tới, các đơn vị chức năng của Bộ Công an sẽ tiếp tục chủ động trong việc phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương. Bộ Công an cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành triển khai thi hành một cách đồng bộ, thống nhất Luật TGPL năm 2017 và các bộ luật, luật liên quan đến tư pháp hình sự.

Chia sẻ một số thách thức trong quá trình triển khai các quy định của Luật TGPL năm 2017, Trưởng phòng Pháp luật hình sự và Cải cách tư pháp (Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp – Bộ Công an) Nguyễn Văn Thịnh cho biết: Luật TGPL năm 2017 quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác TGPL. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, người dân, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa, miền núi chưa hiểu, chưa nhận thức được quyền được TGPL của mình hoặc không biết nơi liên hệ hoặc chưa được giải thích hoặc được giải thích nhưng chưa đầy đủ, thấu đáo về quyền được TGPL và chưa sử dụng quyền được TGPL của mình. Đây chính là một trong những khó khăn trong quá trình bảo đảm quyền được TGPL cho những đối tượng này.

Để thực hiện có hiệu quả việc TGPL trong tố tụng, theo ông Thịnh, cần tiếp tục và tăng cường hơn nữa tuyên truyền Luật TGPL năm 2017; chú trọng kiểm tra, giám sát, tạo lập cơ chế thông tin hai chiều để cùng giám sát, đánh giá chất lượng thực hiện công việc được giao của người thực hiện TGPL và người tiến hành tố tụng. Ngoài ra, phải tiếp tục đẩy mạnh tập huấn chuyên môn, kỹ năng TGPL cho người thực hiện TGPL và khẩn trương xây dựng dự thảo các văn bản quy định chi tiết Luật TGPL năm 2017, dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng…

Đọc thêm