Trương Thiện Tử (1882-1940) được mệnh danh "Đệ nhất si hổ" trong giới văn nhân. Cuốn Nhất môn hổ si (Nhà xuất bản Mỹ thuật Tứ Xuyên) từng công bố loạt ảnh ông với "chúa sơn lâm", trong đó có bức hổ há miệng khi chụp ảnh cùng gia đình họa sĩ, hổ theo ông lên chùa ở Tô Châu hay ảnh ông quỳ gối, để mặt ngang mặt hổ.
Trương Thiện Tử lần đầu nuôi hổ vào thập niên 1920, bấy giờ ông nhờ bạn mua hổ con từ Nhật Bản. Sau đó, ông được bạn tặng một hổ con khác. Họa sĩ ngày ngày quan sát con vật, cho chúng ăn, để chúng ngủ dưới giường ban đêm.
Họa sĩ và em trai Trương Đại Thiên - cũng là tên tuổi lớn của hội họa Trung Quốc - thường cùng nhìn hổ vẽ tranh tại nhà, mở triển lãm. Mùa thu năm 1934, Trương Thiện Tử tổ chức triển lãm ở Bắc Kinh, trong đó có bức Hoàng Sơn thần hổ. Tống Triết Nguyên - tướng lĩnh Trung Hoa Dân quốc - ấn tượng với bức tranh, ngỏ ý mua. Ban đầu, Trương Thiện Tử không nỡ bán tác phẩm tâm đắc nhưng nghe lời khuyên của bạn bè, ông bán với giá hai nghìn đồng bạc.
Bấy giờ, một đồng bạc mua được 80 quả trứng gà, 2000 đồng bạc là khoản tiền lớn. Trương Thiện Tử từng nói: "Tôi nên tặng Hoàng Sơn thần hổ cho tướng Tống Triết Nguyên nhưng tôi nuôi mấy con hổ trong nhà, lại mở triển lãm, chi phí rất lớn, bất đắc dĩ mới lấy tiền của ông ấy". Tống Triết Nguyên không để bụng việc này, ngược lại rất vui sướng, treo bức tranh ở phòng khách trong nhà.
Thập niên 1930, tranh của anh em Trương Thiện Tử được triển lãm tại Pháp, Mỹ. Tổng thống Pháp bấy giờ - François Mitterrand - từng nhận xét Trương Thiện Tử là đại diện xuất sắc của nghệ thuật cận đại Đông phương. Họa sĩ còn từng tới Nhà Trắng theo lời mời của tổng thống Mỹ đương thời - Franklin Delano Roosevelt, vẽ hổ tặng tổng thống.
Trương Thiện Tử sinh thời Quang Tự, triều Thanh. Cha ông từng kinh doanh nhưng thất bại, sau đó làm nghề thu mua phế liệu nuôi gia đình. Mẹ ông giỏi thêu thùa, vẽ tranh. Năm 23 tuổi (1905), Thiện Tử học ngành Kinh tế tại Đại học Meiji (Nhật Bản), sau đó chuyển sang học Mỹ thuật. Về nước, ông giữ một số chức vụ nhưng sau đó bỏ nghiệp chính trị, chỉ chuyên tâm hội họa.
Tranh của Trương Thiện Tử từng vài lần xuất hiện trên thị trường đấu giá. Theo Artron, năm 2013, bức Thập nhị kim thoa của ông được bán với giá 10,5 triệu nhân dân tệ (37,5 tỷ đồng). Giới chuyên môn nhận định nghệ thuật vẽ hổ độ khó cao, vì thế tác phẩm hổ của các họa sĩ nổi tiếng còn có khả năng tăng giá mạnh. Quảng Căn Minh - chuyên gia lĩnh vực đấu giá nghệ thuật - nói hiện phần lớn người sưu tầm tranh hổ là để đầu tư vì dự đoán khả năng sinh lời lớn.