Hoạ sĩ Hoàng Phong: Với 'Ký ức đồng dao', mong mọi người cảm nhận sự chữa lành tại núi Bà Đen

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong không gian triển lãm đèn đăng nghệ thuật tại núi Bà Đen, Tây Ninh, điểm nhấn nổi bật là bộ tranh “Ký ức đồng dao” của hoạ sĩ Hoàng Phong - thành viên Hiệp hội màu nước quốc tế IWWS 2015. Hoạ sĩ chia sẻ những câu chuyện thú vị về bộ tranh.

- Thưa anh, cơ duyên nào khiến anh vẽ bộ tranh “Ký ức đồng dao” tại núi Bà Đen?

Thực ra từ bé tôi đã được lên núi Bà Đen, nhưng mãi đến sau này mới có dịp quay trở lại. Khi bước chân lên đỉnh núi, điều đầu tiên tôi cảm thấy là choáng ngợp, và cảm nhận nét thiêng liêng từ núi Bà toả ra. Đến nơi đây, khi tâm hồn lắng đọng lại, tôi đã tìm thấy sự yên bình và tịnh tâm.

Đỉnh núi Bà Đen, Tây Ninh. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain

Đỉnh núi Bà Đen, Tây Ninh. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain

Cách đây hơn 1 tháng, tôi có cơ duyên quay lại núi Bà Đen vào đúng dịp Khu du lịch đang chuẩn bị cho Tuần văn hoá Việt Nhật, điều này đã đánh thức những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ và tình yêu đối với những gì thuộc về văn hoá nghệ thuật Việt Nam và văn hoá Nhật Bản. Đó chính là nguồn cảm hứng để tôi vẽ 34 bức tranh này, trong vòng 1 tháng.

- Có thể thấy bộ tranh mang sắc màu văn hoá dân gian của Việt Nam và Nhật Bản rất rõ nét. Vậy, điều anh muốn truyền tải thông qua bộ tranh này là gì?

Ở các bức tranh, tôi mong muốn khắc hoạ một cách trong sáng và hồn nhiên nhất các biểu tượng quen thuộc của văn hoá Nhật Bản như các Samurai, Sumo, Yokai, Geisha, kịch Noh, cá chép, mèo thần tài, Kitsune...; hay các hình ảnh Việt Nam yên bình như Tháp Rùa, cầu Vàng Đà Nẵng, cáp treo Núi Bà, cùng những điệu múa lân sư rồng, cá chép, hay không gian thiền...

Văn hoá dân gian Nhật Bản được phác hoạ trong “Ký ức đồng dao”. Tranh: Hoạ sĩ Hoàng Phong

Văn hoá dân gian Nhật Bản được phác hoạ trong “Ký ức đồng dao”. Tranh: Hoạ sĩ Hoàng Phong

Đối với một người hoạ sĩ, cái theo đuổi cả đời chính là có lại được cái nhìn trong trẻo và hồn nhiên của trẻ thơ để thể hiện lên tranh. Bởi vậy, bộ tranh “Ký ức đồng dao” chính là hành trình đi tìm tuổi thơ với những đường nét hết sức gạn lọc và lối vẽ ngây ngô hồn nhiên nhất có thể.

Hoạ sĩ Hoàng Phong, thành viên Hiệp hội màu nước quốc tế IWWS 2015. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain

Hoạ sĩ Hoàng Phong, thành viên Hiệp hội màu nước quốc tế IWWS 2015. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain

Tôi mong rằng, những bức vẽ này sẽ không chỉ dành cho người yêu nghệ thuật, mà bất cứ ai cũng có thể tìm thấy những ký ức đẹp đẽ, tìm thấy niềm vui trong những điều bình dị, thân thương, để thực sự cảm nhận được chữa lành khi đến với ngọn núi cao nhất Nam bộ.

Tôi cũng muốn kết hợp những hình ảnh quen thuộc của cả hai quốc gia được thể hiện dưới phong cách tối giản mộc mạc của Zen – một tinh thần rất phù hợp với ngọn núi thiêng Bà Đen.

- Anh có thể chia sẻ rõ hơn về yếu tố Zen trong bộ tranh?

Yếu tố Zen (thiền định) là một biểu tượng của triết lý Phật giáo và là lối sống đặc trưng của người Nhật với trạng thái tinh thần thuần khiết, an yên. Sau một vài biến cố trong cuộc sống, tôi bắt đầu đi sâu vào tìm hiểu đời sống tâm linh và tìm đến Zen như một liệu pháp chữa lành. Lâu dần, nó trở thành một điểm tựa giúp tôi nhìn nhận cuộc sống.

Hình ảnh hoa sen đậm yếu tố Zen trong “Ký ức đồng dao”. Tranh: Hoạ sĩ Hoàng Phong

Hình ảnh hoa sen đậm yếu tố Zen trong “Ký ức đồng dao”. Tranh: Hoạ sĩ Hoàng Phong

Khi đến với núi Bà Đen, tôi cảm nhận được Zen cũng chính là tinh thần mà mỗi người hướng tới khi đặt chân đến ngọn núi linh thiêng, một miền đất hành hương giúp chữa lành tâm hồn. Vì vậy, trong bộ tranh “Ký ức đồng dao”, các hình ảnh như mái chùa, tượng Phật, hoa sen… chính là các diễn giải để gợi cho người xem một phần ý niệm về Zen, đánh thức sự tĩnh lặng sẵn có trong tự tánh mỗi người.

- Được biết anh đang thai nghén một bộ sưu tập tranh về đền chùa. Anh có thể bật mí một chút về bộ sưu tập này không?

Tôi đang ấp ủ bộ tranh về đền chùa Việt Nam vì theo tôi, đó là tinh hoa văn hoá lâu đời của đất nước, nơi tín ngưỡng và đời sống tâm linh có một sức sống mạnh mẽ và len lỏi vào cuộc sống hằng ngày của nhiều người Việt bao đời.

Tôi dự định sẽ vẽ tầm 40-50 bức về các ngôi chùa nổi tiếng trên cả nước, cũng như sẽ giới thiệu một số ngôi chùa ít người biết đến. Bộ tranh cũng sẽ có những bức vẽ tượng Phật cổ và vẽ theo một số triết lý Phật giáo qua lăng kính của cá nhân tôi.

Chùa Bà - một trong các bức tranh về đền chùa sẽ sớm được triển lãm tại núi Bà Đen. Tranh: Hoàng Phong

Chùa Bà - một trong các bức tranh về đền chùa sẽ sớm được triển lãm tại núi Bà Đen. Tranh: Hoàng Phong

Tôi mong muốn sẽ tổ chức triển lãm bộ tranh này ngay tại đỉnh núi Bà Đen – một điểm đến đậm sắc màu văn hoá tâm linh đã nằm sâu trong tâm thức của người dân Nam bộ. Và tất nhiên, bộ tranh cũng khai thác rất nhiều tư liệu từ núi Bà Đen như hệ thống chùa Bà, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, tôn tượng Bồ Tát Di Lặc, cho đến lễ dâng đăng thiêng liêng diễn ra vào các buổi tối thứ 7 trên đỉnh núi... Đó thực sự là những công trình và khoảnh khắc vô cùng đẹp đẽ, an yên mà bạn khó có thể tìm thấy ở điểm đến tâm linh nào khác, và tôi hi vọng có thể khắc hoạ phần nào đó vẻ đẹp kỳ diệu của ngọn núi cao nhất Nam bộ này.

- Xin cảm ơn anh!