Họa sĩ Mai Đại Lưu: 'Nghệ thuật đã cho tôi một cuộc sống đúng nghĩa'

(PLVN) - Từng làm nhiều nghề để kiếm sống, nhưng cuối cùng Mai Đại Lưu nhận ra tất cả dường như không phải cuộc sống của mình. Chỉ khi đến với hội họa, anh mới thực sự tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, mới thực sự cảm thấy thỏa mãn và hài lòng. Và từ đó, anh không thể sống mà thiếu nó được nữa.
Họa sĩ Mai Đại Lưu: 'Nghệ thuật đã cho tôi một cuộc sống đúng nghĩa'

Sinh năm 1983 tại Nam Định, Mai Đại Lưu thích vẽ từ nhỏ mặc dù gia đình anh không ai làm nghệ thuật. Tuy nhiên ban đầu anh học và vào TP HCM làm một ngành nghề khác. Sớm nhận ra đó không phải cuộc sống mà mình mong muốn, anh trở ra Hà Nội. Gặp một anh sinh viên mà sau này thành bạn, hỏi Lưu muốn học gì, không ngần ngại Lưu trả lời: “Muốn vào trường nào đó để trở thành họa sĩ”. Người bạn lúc đó đã lắc đầu nói: “Vậy là ông muốn húc đầu vào đá rồi đấy!”.

Thế là Mai Đại Lưu mày mò đến trường Yết Kiêu học mỹ thuật để ôn thi. Ngày học, chiều tối đi làm thêm. Không thể kể hết niềm vui của Lưu khi thi đỗ vào Khoa Sư phạm của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Và sau đó là những năm tháng không thể nào quên của anh, khi được học những kiến thức cơ bản về hội họa, được tham gia triển lãm Tài năng trẻ của Đan Mạch và nhiều triển lãm nhóm khác.

Khi ra trường, Lưu có một lần giới thiệu những sáng tác cá nhân của mình, đó là vào năm 2017. Cũng có thể coi đó là một cuộc triển lãm cá nhân nhỏ. Tuy nhiên, giai đoạn đó Lưu vẫn còn đang thử nghiệm nhiều lối vẽ khác nhau và chưa thực sự chọn cho mình được một con đường riêng. Sau cuộc trưng bày này, Lưu bắt tay vào vẽ và tìm tòi hướng đi mới, và lối vẽ mà hiện nay Lưu đang theo đuổi đã có khởi đầu từ những ngày ấy.

Tác phẩm 'Ước mơ - Bầu trời xanh'
 Tác phẩm 'Ước mơ - Bầu trời xanh'

3 năm, đủ làm nên một chặng đường. 3 năm, đủ để Mai Đại Lưu hiểu rằng phong cách vẽ này phù hợp với mình, hay nói như anh, là “sát với tôi nhất”. Trải qua các giai đoạn vẽ theo lối hiện thực, siêu thực, giờ đây Lưu không muốn nhìn thế giới trong trật tự thông thường và yên tĩnh đó nữa. Anh để tất cả lộn nhào, để những hình hài méo mó, để những gương mặt biến dị kì quái được phô ra trên bề mặt tranh.

Những con người, con vật với hình thù trần trụi và biến dạng như đang dõng dạc bước đi, thật thà kể về sự hiện diện của chúng. Điều đáng nói là, mặc dù xuất hiện không trong hình dạng thông thường, chúng trông không hề nanh nọc, không hề gớm ghiếc dữ dằn, mà ngược lại, chúng ngô nghê và thực thà, chúng hiển nhiên và nhẹ bẫng. Tranh của Lưu khiến người xem thấy thế giới vừa lạ lẫm vừa gần gũi. Người họa sĩ không cố ép mình tạo ra một thứ lạ kì dị hợm. Anh chỉ lắng nghe chính tâm hồn mình, để vẽ một thế giới lạ lùng nhưng cũng rất đỗi thân thuộc. 

Màu sắc rực rỡ nhưng hài hòa, đôi khi Lưu đưa cả chữ vào tranh, có khi là tiếng Anh, có khi là tiếng Việt, để phần nào truyền tải thêm thông điệp của bức tranh. “Những bông hoa nhỏ” vẽ hai mặt người một trắng một đen để nói về vấn đề chủng tộc và tôn giáo.

Bức “Trái đất - thế giới của chúng em” nói về vấn đề màu da. Còn trong bức “Ước mơ - Bầu trời xanh”, ngày quốc tế hòa bình 21/9 đã đặt ra cho Lưu câu hỏi: “Liệu chúng ta có đang sống trong hòa bình không?”. Và ẩn sau câu hỏi đó, bức tranh làm đồng hiện lên những hình ảnh về dịch bệnh, về vũ khí sinh học…, những thứ khiến con người trong thế giới ngày nay không ngừng lo sợ. 

Lưu đặt ra trong tranh những câu hỏi về con người, về thế giới. Những vấn nạn mà chúng ta đã và đang trải qua, những vấn đề ngàn đời tồn tại trong tâm hồn con người, ẩn sau gương mặt đẹp đẽ đầy phấn son trang điểm. Thiện và ác, Phật và quỷ, những ranh giới mong manh trong con người…, tất cả đều hiển hiện phía sau những bức tranh của Lưu.

Tác phẩm Những bông hoa nhỏ
Tác phẩm Những bông hoa nhỏ 

“Cuối cùng tác phẩm phải chạm đến cảm xúc của người xem”, người họa sĩ nói. Anh quan niệm rằng, muốn thể hiện quan điểm gì, muốn dẫn dắt người thưởng lãm đến đâu, thì điều quan trọng nhất của tác phẩm nghệ thuật phải là cảm xúc. Đó chính là thứ duy nhất kết nối họa sĩ và công chúng. Họ có thể có những cuộc đời, tính cách, tri thức và tâm hồn khác nhau, nhưng nếu cùng rung động trước bức tranh, khi ấy họ đã được kéo lại gần nhau, đó là gì nếu không phải là thành công của một tác phẩm?

Từ ngày đến với hội họa, đồng thời Mai Đại Lưu cũng luôn phải đấu tranh giữa việc làm nghệ thuật và kiếm sống. Đấy là cuộc chiến không phải của riêng anh, mà của nhiều họa sĩ đương đại, khi mà nghệ thuật mới chỉ là cuộc chơi của một bộ phận nhỏ người trong xã hội. Hơn nữa, tranh của Lưu là loại tranh kén người xem. Lưu biết thế, đôi lúc Lưu hoang mang không biết mình có đi sai hướng không, khi chọn lối vẽ này.

Nhưng rồi sau tất cả, người họa sĩ hiểu rằng, cứ vẽ, cứ thử nghiệm, anh sẽ tìm được chính mình. Giống như cứ đi, bước chân sẽ tự hình thành con đường. Và mặc dù gặp vô vàn khó khăn, anh vẫn cảm thấy hạnh phúc vì mình đã chọn hội họa. Như người bạn sinh viên năm nào đã tiên đoán, vẽ là “húc đầu vào đá”, nhưng Lưu hài lòng ngay cả với sự đau đớn mà hội họa mang lại. Bởi anh nhận ra, đó mới là chính mình.

“Nghệ thuật đã cho tôi một cuộc sống đúng nghĩa”, người họa sĩ nói. Và hàng ngày, trong căn xưởng nhỏ nhắn, Mai Đại Lưu đối diện trước tấm toan như soi bóng mình trong đó. Từng nét vẽ, từng mảng màu giống như những niềm vui nỗi buồn của anh đang xôn xao trong mỗi bức tranh.

Từ ngày 25/7 đến 29/7/2020, Mai Đại Lưu sẽ có một triển lãm cá nhân mang tên “Tôi là Mai Đại Lưu - I am Mai Dai Luu” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Lần trưng bày này như một lời khẳng định của Lưu về con đường mà anh đã chọn, về phong cách mà anh đang mạnh dạn thể hiện, dẫu anh biết rằng, để thực hiện được ước mơ đó anh phải trả một cái giá không hề rẻ. Nhưng chẳng phải là hạnh phúc sao, khi anh được bày tỏ với mọi người, qua mỗi bức tranh, rằng “Tôi là Mai Đại Lưu”?