Hoạ sỹ Lê Bá Đảng không giữ cái đẹp cho riêng mình

 Họa sỹ Lê Bá Đảng là Việt kiều ở Pháp, ông sinh năm 1931 tại làng Bích La Đông, Quảng Trị. Tranh của ông đã được trưng bày tại nhiều Trung tâm văn hóa lớn trên thế giới như Pháp, Đức, Anh, Nhật, Mỹ. Trong sự nghiệp của mình, Lê Bá Đảng đã nhiều lần được vinh danh trong lĩnh vực nghệ thuật, chẳng hạn như nhận “Huân chương văn hóa nghệ thuật” của Nhà nước Pháp năm 1994, danh hiệu “Vinh danh nước Việt” năm 2005...

Họa sỹ Lê Bá Đảng là Việt kiều ở Pháp, ông sinh năm 1931 tại làng Bích La Đông, Quảng Trị. Tranh của ông đã được trưng bày tại nhiều Trung tâm văn hóa lớn trên thế giới như Pháp, Đức, Anh, Nhật, Mỹ. Trong sự nghiệp của mình, Lê Bá Đảng đã nhiều lần được vinh danh trong lĩnh vực nghệ thuật, chẳng hạn như nhận “Huân chương văn hóa nghệ thuật” của Nhà nước Pháp năm 1994, danh hiệu “Vinh danh nước Việt” năm 2005...

Họa sỹ Lê Bá Đảng
Họa sỹ Lê Bá Đảng
Tại cuộc triển lãm “Chiến tranh cách mạng trong nghệ thuật Lê Bá Đảng” đang diễn ra tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, những người xem không khỏi xúc động và thán phục tài năng của họa sỹ bậc thầy Lê Bá Đảng. Đáng chú ý, hơn 50 tác phẩm tranh, tượng trưng bày tại đây chỉ là một phần rất nhỏ được chọn ra từ hàng trăm tác phẩm mỹ thuật của ông thuộc nhiều chủ đề, nhiều chất liệu khác nhau trong kho tàng sáng tạo đồ sộ của họa sỹ qua hơn 6 thập niên sáng tạo nghệ thuật.

Quê hương là niềm cảm hứng chủ đạo

Trong sáng tác, Lê Bá Đảng lấy quê hương làm niềm cảm hứng chủ đạo. Vì theo ông, xác định như vậy mới có một không gian nghệ thuật riêng biệt. Ở ông, sáng tạo nghệ thuật là sự kết hợp tài tình giữa phương Đông và phương Tây. Tác phẩm nghệ thuật của ông được giới nghiên cứu nghệ thuật và người hâm mộ gọi tên là “Không gian Lê Bá Đảng” - một không gian tranh, điêu khắc, hiện thực và siêu thực với ngôn ngữ hoàn toàn riêng biệt, để nói về tài năng đặc biệt của ông mà thế giới đã biết đến. Ông vừa có cái nhìn vĩ mô “Từ vũ trụ nhìn xuống Trái đất”, vừa có cái nhìn vi mô “Một bàn chân Giao Chỉ”. Tranh của ông là một niềm ký ức bao la về cội nguồn, là ký ức của nhân loại, không còn ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa hội họa và thiên nhiên. Không bó hẹp trong khung, nó được gắn và không gian như một bộ phận không thể tách rời.

Những không gian nhẹ đưa người xem vào cõi nội tâm của chính mình, những “bàn chân Giao Chỉ” trên vách đá ngày nào, những hạt gạo làm bẳng đủ mọi chất liệu để ngợi ca một sức sống, một mạng nhện chăng trên sân thượng, những tượng Phật “sắc sắc không không”. Tất cả đều dẫn đến một dự định cho tương lai mà ông muốn thực hiện cho đất nước, quê hương.

Tâm niệm của họa sỹ Lê Bá Đảng thật giản đơn: “Cứ thấy thích là làm thôi, không theo trường phái hay xu hướng nào hết”. Song nếu khảo sát một cách có hệ thống những tác phẩm của ông qua các thời kỳ, người thưởng ngoạn sẽ thấy những gì ông “thích là làm” mang nặng những niềm khắc khoải, nỗi nhớ của một người con ở xa quê hương nhưng lòng luôn đau đáu hướng về Đất Mẹ.

“Tôi chỉ làm cái đẹp”

Mọi cái lạ, mọi phong cách đặc thù, mọi việc ông đã làm cho một nền nghệ thuật, để tạo nên một tài năng Lê Bá Đảng. Họa sỹ tài danh từng tâm sự: “Tôi không muốn chỉ dùng chất liệu người ta thường dùng, tôi dùng tất cả những gì mà tạo hóa cho con người để sáng tạo mỹ thuật. Tôi không làm tranh, không làm tượng mà chỉ làm cái đẹp”.

Tất cả đều cho thấy năng lực sáng tạo dồi dào từ nghệ sĩ cao niên này, cũng như sự kết hợp hài hòa giữa sự tinh tế uyển chuyển của một tâm hồn phương Đông vừa hồn nhiên, trầm mặc, sâu lắng với tiết tấu mạnh mẽ, khoáng đạt của phong cách nghệ thuật phương Tây.

Không giữ cái đẹp, cái quý, sự thiêng liêng cho riêng mình, hoạ sỹ bậc thầy Lê Bá Đảng đã tặng một số tác phẩm “để đời” cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam để phục vụ những người yêu nghệ thuật.

Thùy Dương

Đọc thêm