Hoan nghênh phản ứng nhanh nhạy của Thủ tướng

(PLO) - Gần đây có 2 việc trên mặt báo cho thấy Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những phán quyết nhanh nhạy. Dẫu rằng, đáng ra đó phải là việc của các “Tư lệnh ngành” chứ không phải cứ Thủ tướng đi “làm thay” các Bộ trưởng mãi thế này.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Chuyện thứ nhất là, chuyến “tàu vét” phong chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2017. Con số kỷ lục 1.200 tân GS, PGS được công nhận năm 2017 khiến chính những người đã từng nhiều năm đảm trách công việc chuyên môn tại Hội đồng chức danh GS Nhà nước cũng phải giật mình. “Chuyến tàu” trước khi thực hiện quy định mới với những tiêu chuẩn cao hơn đã cho kết quả “khó thể tưởng tượng”.

Gì mà lắm GS, PGS đến thế? Quan chức chính trị thì cần gì phải GS, PGS? Trước đây, ở các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô (cũ) và Đông Âu, GS trong các đại học được xem là một phẩm hàm do Nhà nước ban tặng và người được phong tặng giữ hàm đó suốt đời. Tức là Nhà nước “ôm” việc “ban” và “phẩm hàm” liên quan đến nhiều bổng, lộc. Ở ta bây giờ vẫn thế. Người được phong “phẩm hàm” ngoài bổng, lộc; nếu là cán bộ lãnh đạo còn được kéo dài thời gian công tác. Tại vị thêm có nghĩa là thêm nhiều bổng lộc. Vì thế, cán bộ ta, có cả Bí thư Tỉnh ủy cũng làm GS, PGS. Trong khi, đáng ra, phải xem GS, PGS là một chức vụ khoa bảng, thường do trường đại học đề bạt hoặc bổ nhiệm.

Hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi ông chỉ đạo kịp thời việc tổng rà soát ngay khi dư luận hoài nghi về đợt xét duyệt kỳ lạ này. Phản ứng của Thủ tướng nhanh nhạy, kiên quyết và kịp thời.

Chuyện thứ hai là, cú “điểm huyệt” trạm thu phí BOT của Thủ tướng Chính phủ. Ông yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thu giá (thu phí) dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Theo đó, Thủ tướng kiên quyết dừng hoạt động thu giá đối với các dự án không thực hiện đúng lộ trình chuyển sang thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức mới.

Để tối đa hóa lợi nhuận, chủ đầu tư nào cũng có “chiến thuật” báo cáo lưu lượng phương tiện thấp hơn thực tế, để kéo dài thời gian thu phí. Đường là “mỏ tiền”, càng độc đạo “mỏ tiền” trữ lượng càng lớn. Do vậy, người ta không lạ gì việc nhiều doanh nghiệp BOT tìm mọi cách chống lại biện pháp thu phí tự động.

Quyết định rất chính xác của Thủ tướng vô cùng có ý nghĩa nhằm từng bước minh bạch đồng thời kiểm soát được mức phí, thời gian thu phí. Đây cũng là bước đi quan trọng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và quyền lợi chính đáng của nhân dân về “quyền đi lại”; đồng thời đưa chủ trương đúng đắn về hình thức đầu tư PPP vào quỹ đạo, đúng luật pháp, góp phần kiểm soát những cái “bắt tay” của nhóm lợi ích.

Hoan nghênh ông!

Đọc thêm