Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Thể chế hóa chủ trương của Đảng bằng quy định pháp luật

(PLVN) -  Bày tỏ tán thành cao với chủ trương của Đảng về hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục thể chế hóa chủ trương này bằng các quy định của pháp luật, từ đó ngăn chặn được những “đại án” do cán bộ lộng quyền, lạm quyền.
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Yêu cầu xuất phát từ lý luận và thực tiễn

Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” nêu rõ trọng tâm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC); tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước đi đôi với nâng cao năng lực thực thi.

“Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý. Kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức”, Nghị quyết 27-NQ/TW nêu rõ.

Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an - cho biết, vừa qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành một loạt các văn bản, chỉ thị, nghị quyết, trong đó nhấn mạnh nhiều lần đến vấn đề kiểm soát quyền lực. “Điều này xuất phát từ mặt nhận thức lý luận trên lĩnh vực chính trị học là quyền lực mà không được giám sát thì sớm muộn cũng tha hóa. Đó là một quy luật không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn bộ thế giới, không có ngoại lệ”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định.

Về mặt thực tiễn, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, hàng loạt các vụ án xảy ra thời gian qua cho thấy hệ thống giám sát quyền lực của chúng ta vẫn còn sơ hở. “Trong giai đoạn 2012 - 2022, đã có 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý kỷ luật. Như vậy, xuất phát từ nhận thức lý luận về chính trị học và thực tiễn cho thấy cần phải tăng cường giám sát quyền lực”, ông Lê Văn Cương nêu quan điểm.

Thiếu tướng Lê Văn Cương.

Thiếu tướng Lê Văn Cương.

Tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng

Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng đặt ra yêu cầu kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Ðảng, Nhà nước và nhân dân; thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong từng cơ quan nhà nước. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan kiểm tra đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của Ðảng, cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước. Nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, PCTN,TC.

PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương - bày tỏ tán thành với yêu cầu nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực. “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị rằng kiểm soát quyền lực không chỉ dừng lại ở chủ trương của Đảng mà phải kiểm soát bằng pháp luật của Nhà nước, tức là phải thể chế hóa chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực thành chính sách pháp luật. Trên cơ sở đó mới có thể ràng buộc trách nhiệm với những người được giao quyền, ủy quyền thực hiện quyền lực của nhân dân. Chỉ có kiểm soát quyền lực bằng pháp luật, việc này mới được thực hiện một cách chặt chẽ, thực chất”, ông Vũ Văn Phúc nói.

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, hiện nay, chúng ta đã có khá đầy đủ quy định của Đảng. Một số luật, bộ luật cũng đã có những điều khoản liên quan nhằm kiểm soát quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, dường như những chính sách đó chưa trực diện, chưa đủ mạnh để khiến những người có chức, có quyền phải sợ nên nhiều người dù họ nắm được quy định vẫn cố tình vi phạm.

PGS.TS Vũ Văn Phúc.

PGS.TS Vũ Văn Phúc.

Ông Phúc cũng cho rằng, một số vụ việc xảy ra trong thời gian qua cho thấy nhiều quan chức biết việc làm của mình là vi phạm nhưng vẫn cố tình làm, lờ đi các quy định của pháp luật. Do đó, việc tiếp tục thể chế hóa các chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực thành chính sách pháp luật của Nhà nước vẫn rất cần thiết. “Chúng ta có thể nghiên cứu tính tới việc xây dựng một văn bản pháp lý để đưa vào đó các quy định liên quan đến kiểm soát quyền lực để kiểm soát quyền lực chặt chẽ hơn”, PGS.TS Vũ Văn Phúc kiến nghị.

Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Văn Phúc cũng nhận định, việc ban hành một cơ chế pháp luật riêng về kiểm soát quyền lực là rất khó. Trước hết là bởi hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thường được che đậy rất kín đáo, tinh vi. Do đó, để ban hành một cơ chế bao phủ được hết mọi hành vi kín đáo, tinh vi của những người lợi dụng quyền lực là không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực cũng “muôn màu muôn vẻ” nên việc quy định thành những điều trong luật để điều chỉnh, kiểm soát những hành vi đó cũng không dễ…

“Nhưng dù khó đến mấy chúng ta cũng phải quyết tâm làm. Nếu không xây dựng cơ chế cụ thể, thể chế hóa bằng pháp luật để kiểm soát quyền lực thì sẽ còn rất nhiều “đại án” nữa do cán bộ lộng quyền, lạm quyền”, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh.

Tăng cường sự giám sát của nhân dân

Cùng với việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực bằng các quy định của pháp luật, ông Vũ Văn Phúc cũng đề nghị tăng cường cơ chế giám sát của nhân dân. “Chiếc lồng cơ chế rộng rãi nhất, quảng đại nhất và chặt chẽ nhất chính là nhân dân. Nhân dân biết hết mọi thứ của cán bộ, biết cán bộ tốt hay xấu, giỏi hay yếu kém. Khi vừa có quy định của pháp luật, vừa có sự giám sát của nhân dân, chắc chắn quyền lực của những người có chức, có quyền sẽ được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn”, ông nói.

Bày tỏ sự ủng hộ, tán thành cao với tinh thần tích cực, kiên quyết của Đảng trong vấn đề kiểm soát quyền lực, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, để thực hiện được các văn bản, chỉ thị của Đảng, cần có giải pháp đột phá và cụ thể. Nêu kiến nghị cụ thể, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh về vai trò, trách nhiệm của Đảng trong vấn đề giám sát quyền lực, đồng thời đề nghị tăng thêm quyền hạn cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trong việc giám sát các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ và các sở, văn phòng thuộc UBND cấp tỉnh. Về Nhà nước, ông Lê Văn Cương kiến nghị thành lập một Ủy ban Giám sát quyền lực Quốc gia đủ sức mạnh, tăng cường giám sát cơ quan hành pháp.

Về hệ thống pháp luật, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng cần có một cuộc “tổng kiểm kê”, để từ đó tăng cường các quy định nhằm kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ, cá thể hóa trách nhiệm rõ ràng. “Hệ thống văn bản pháp luật hiện chưa xác định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức. Cần quy định về vấn đề này một cách rõ ràng, cụ thể. Càng cụ thể thì người dân mới giám sát được”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.

Báo cáo Công tác PCTN năm 2022 của Chính phủ nhấn mạnh, trong năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra việc ban hành các văn bản dưới luật; đẩy mạnh rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện, khắc phục những sơ hở, bất cập dễ bị lợi dụng, lạm dụng để tham nhũng, tiêu cực, qua đó kịp thời bịt kín những “lỗ hổng”, ngăn chặn vi phạm pháp luật, không để phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Từ thực tiễn công tác PCTN,TC thời gian qua, Chính phủ cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm, trong đó có tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, các lĩnh vực chuyên môn sâu, khép kín, bí mật, càng phải chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm tra, giám sát từ bên ngoài. Đồng thời đẩy mạnh việc cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”…

Đọc thêm