Hoàn thiện cơ chế, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách

(PLVN) -Theo TS. Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, hệ thống tín dụng chính sách đã bao phủ, góp phần thay đổi đáng kể đời sống của đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, một số chính sách tín dụng chưa phù hợp với các loại đối tượng và đặc điểm vùng, miền… Vì vậy, cần có giải pháp nhằm hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.
TS. Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn).
TS. Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn).

Đòn bẩy kinh tế quan trọng

Gửi ý kiến đóng góp tới Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội” được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng: Các chính sách tín dụng ưu đãi dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được ban hành với mục tiêu rõ ràng, cơ bản phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Đối tượng cho vay ngoài đối tượng chung là hộ DTTS nghèo còn mở rộng đến đối tượng học sinh, sinh viên DTTS nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình kinh doanh tại vùng khó khăn.

Mục đích vay cũng đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của hộ nghèo nói chung và hộ nghèo DTTS nói riêng, kịp thời hỗ trợ khó khăn cho người dân như: vay làm nhà ở, hỗ trợ sản xuất, vay chuộc đất, xuất khẩu lao động,... Thời gian vay vốn được linh hoạt tùy thuộc vào mục đích, nội dung vay; lãi suất đa dạng được điều chỉnh theo từng thời kỳ tùy theo mục đích, đối tượng vay vốn; thời gian ân hạn ưu đãi, phù hợp đã thúc đẩy nhu cầu vay vốn đầu tư của đồng bào DTTS.

Chính vì những đặc điểm trên, tín dụng chính sách đã trở thành một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, tạo điều kiện kích thích người nghèo sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống. Tính đến 30/6/2023, tổng doanh số cho vay đạt 87,9 nghìn tỷ đồng, dư nợ đạt 107,97 nghìn tỷ đồng, số khách hàng dư nợ trên 2,8 triệu với 20,6 triệu lượt khách hàng vay vốn. Khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các hộ nghèo, cận nghèo DTTS đã tăng rõ rệt, số lượng hộ nghèo DTTS được vay vốn ngày càng nhiều, dòng vốn luân chuyển cho vay ngày càng tăng.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Lâm Thành, thực tế giám sát cho thấy hoạt động tín dụng chính sách vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và bảo đảm tính bền vững, nguồn vốn cho vay ngắn hạn đang chiếm tỷ lệ lớn trong khi mục đích sử dụng vốn của người dân chủ yếu là trung và dài hạn.

Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại một số tỉnh còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Kế hoạch vốn một số chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP do Bộ, ngành xây dựng chưa thực sự phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương.

Cần sớm tháo gỡ bất cập chính sách

Tín dụng chính sách góp phần thay đổi đáng kể đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Tín dụng chính sách góp phần thay đổi đáng kể đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Cũng theo TS. Nguyễn Lâm Thành, một số chính sách tín dụng áp dụng chung trên toàn quốc nên chưa phù hợp các loại đối tượng và đặc điểm vùng, miền dẫn đến làm giảm hiệu quả chính sách. Chính sách tín dụng trong chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình DTTS còn trùng lặp về địa bàn, đối tượng nhưng chưa được phân tách một cách phù hợp.

Cơ chế, chính sách còn thiếu sự gắn kết giữa nhu cầu dài hạn cho phát triển với giải quyết các nhu cầu vay vốn cụ thể, trước mắt; thiếu sự lồng ghép, tích hợp các chính sách ban hành sau với các chính sách đã có, đang phát huy hiệu quả cho cùng nhóm đối tượng... Thiếu sự đồng bộ, kịp thời trong thực hiện chính sách tín dụng kết hợp chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước.

Chính sách tín dụng hỗ trợ hộ gia đình sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp còn chưa đủ sức hấp dẫn thu hút đầu tư vào khu vực miền núi, dân tộc. Nhất là các mô hình, dự án, hoạt động sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất và thị trường, liên kết giữa doanh nghiệp, người dân và nhà cung cấp tín dụng. Ngay cả Nghị định 28/2022/NĐ- CP về tín dụng cho chương trình DTTS mới được ban hành cũng bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi, đổi mới trong cơ chế, chính sách theo tinh thần Nghị quyết 88/2019/QH14 đã đề ra…

Để giải quyết các tồn tại trên, theo TS Nguyễn Lâm Thành cần nghiên cứu xây dựng Đề án về lồng ghép việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội khác, bảo đảm cả tính trước mắt và lâu dài, tính kế hoạch, chủ động, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, thiếu sự kết nối như hiện nay. Rà soát, xác định lại các đối tượng, địa bàn rõ ràng, thống nhất để làm cơ sở xây dựng, điều chỉnh các chính sách tín dụng. Cơ cấu lại hệ thống chính sách tín dụng theo hướng tích hợp, tăng định mức chính sách và bảo đảm phù hợp vùng, miền…

Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.

Ngoài ra, theo TS Nguyễn Lâm Thành, trước mắt cần bố trí đủ 19.700 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Bố trí cấp bổ sung vốn Điều lệ hàng năm cho NHCSXH. Bố trí cấp bổ sung vốn thực hiện các chương trình do ngân sách nhà nước cấp nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng theo mục tiêu đề ra của chương trình. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo từng năm để đáp ứng nhu cầu giải ngân cho hộ đồng bào nghèo cả giai đoạn của chính sách..

Đọc thêm