Phát huy hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, Ủy viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)- TS. Đào Minh Tú, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, nguồn vốn hoạt động để hoàn thành các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước.
TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước.

Trụ cột chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội

Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội” diễn ra mới đây, TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, Ủy viên HĐQT NHCSXH đã có bài tham luận quan trọng.

Theo Phó Thống đốc, tín dụng chính sách xã hội là chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, trở thành “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình đổi mới.

TS. Đào Minh Tú cho biết, trên chặng đường hơn 20 năm hoạt động và phát triển (2002 - 2023), tín dụng chính sách xã hội được coi là một trong những công cụ kinh tế hữu hiệu của Nhà nước để thực hiện chủ trương đó.

Trải qua gần 4 giai đoạn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (từ năm 2006 đến nay), tín dụng chính sách xã hội tại NHCSXH trở thành một trụ cột chính sách quan trọng trong hệ thống chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, là chính sách được triển khai rộng rãi nhất; đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo, góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, qua hơn 20 năm phát triển, hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại NHCSXH đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc với những kết quả nổi bật và được Đảng, Nhà nước ghi nhận: Trong các chính sách an sinh xã hội, “tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam”.

Với vị trí, vai trò là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới đã và đang đặt ra cho hoạt động tín dụng ngân hàng nói chung, hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói riêng nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần có những bước đổi mới, hoàn thiện mạnh mẽ hơn với sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị.

Tại Kết luận số 06-KL/TW, Ban Bí thư đã yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền tạo điều kiện cho NHCSXH mở rộng huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức và xã hội; từng bước mở rộng đối tượng chính sách xã hội được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, các bộ, ngành, NHCSXH cần tích cực hơn nữa trong việc rà soát, nghiên cứu để triển khai 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đã được đề ra tại Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030, như: Hoàn thiện khung khổ pháp lý về cơ cấu tổ chức, bộ máy quản trị, nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH; xây dựng, thiết kế và hệ thống lại các chương trình tín dụng chính sách, đề xuất các giải pháp tăng cường nguồn lực, tăng cường năng lực hoạt động của hệ thống kiểm tra, giám sát...

Đối với NHCSXH, cần chủ động tham mưu các bộ, ngành triển khai hiệu quả các giải pháp tại Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030. Ngoài ra, cần tăng cường công tác đào tạo cán bộ, kiện toàn, bồi dưỡng nhân sự của hệ thống NHCSXH để thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách xã hội trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định vị trí, là “nhà cung cấp tài chính vi mô lớn nhất Việt Nam và châu Á”.

Về phía NHNN, ông Đào Minh Tú cho biết sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp trọng tâm để hỗ trợ hoạt động của NHCSXH như sau:

Thứ nhất, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương và NHCSXH xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của NHCSXH; tích cực tổ chức triển khai, thực hiện các chính sách tín dụng theo nhiệm vụ được phân công, trong đó tập trung triển khai chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, nguồn vốn hoạt động để hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; đặc biệt chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục đồng hành cùng NHCSXH thông qua duy trì tiền gửi 2% tại NHCSXH để bảo đảm ổn định nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Thứ tư, tiếp tục theo dõi, đôn đốc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai của các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Đọc thêm