Tại Tọa đàm “TCVM trong phát triển Tài chính toàn diện” lần đầu tiên do NHNN phối hợp với Nhóm công tác TCVM tổ chức hôm qua (12/12), Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: “Trong hơn 2 thập kỷ qua, cùng với tiến trình đổi mới, TCVM đã khẳng định được sự cần thiết và vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp được tiếp cận dịch vụ tài chính và đây được xem là công cụ hữu hiệu trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo…”.
Phó Thống đốc cũng cho rằng, thúc đẩy sự phát triển của TCVM có ý nghĩa kinh tế, chính trị, an sinh xã hội rất lớn thông qua việc mở rộng cánh cửa tiếp cận dịch vụ tài chính và tín dụng cho người nghèo, người yếu thế, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi.
“Sự phát triển của TCVM cũng hỗ trợ cho sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền, qua đó đóng góp một phần không nhỏ vào tiến trình chung về phát triển tài chính toàn diện của quốc gia. TCVM và tài chính toàn diện đều đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực, tiếp cận tài chính và phát triển các chính sách bảo vệ khách hàng, qua đó cải thiện điều kiện sống và loại bỏ những hạn chế mà hộ gia đình nghèo đang phải đối mặt...”, Phó Thống đốc khẳng định.
Tại Việt Nam, với mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức TCVM an toàn, bền vững, hướng tới phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2195/QĐ-TTg ngày 06/12/2011 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020. Tuy nhiên, đại diện NHNN thừa nhận, khung pháp lý cho hoạt động TCVM chưa rõ ràng.
“Mặc dù hoạt động TCVM có nhiều đóng góp quan trọng, các tổ chức TCVM hoạt động hiệu quả, hệ quả gây ra cho xã hội chưa có vấn đề gì lớn trong bối cảnh hành lang pháp lý chưa rõ ràng, song đã đến lúc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động TCVM...” - Phó Thống đốc phát biểu. Theo ông, đây là việc không sớm, nhưng cần thiết để chính thức hóa các tổ chức hiện đang hoạt động TCVM, đưa hoạt động này thực sự phát huy hiệu quả…
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng thừa nhận, ngoài 4 tổ chức TCVM được NHNN cấp phép hoạt động còn hàng trăm chương trình, dự án của các tổ chức tài chính Việt Nam, tổ chức tín dụng, các tổ chức xã hội đang thực hiện hoạt động TCVM mà chưa được quản lý.
“Chúng tôi rất mừng khi Phó Thống đốc nói rằng năm 2019 sẽ là năm TCVM, quy chuẩn lại các quy định, chính sách để làm sao đó khai sinh cho các tổ chức TCVM bán chính thức…” - bà Đinh Thị Ánh Tuyết, Trung tâm VietED chia sẻ.
Đại diện Trung tâm này cho biết, suốt 8 năm làm thủ tục xin phép, đến nay VietED vẫn chưa được cấp phép vì có đối tác nước ngoài, trong khi theo quy định tại Thông tư 03/2018/TT-NHNN của NHNN, thành viên sáng lập là tổ chức nước ngoài thì tổ chức nước ngoài đó phải là ngân hàng nước ngoài… Đại diện VietED cũng tỏ ra băn khoăn không biết Trung tâm có phải tổ chức hoạt động TCVM không và cũng không biết thủ tục xin phép như thế nào…
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Tô Hoài Nam, NHNN cần tạo điều kiện cho TCVM phát triển trong 2019 bởi nếu cấp phép khó khăn, cung cho thị trường hạn chế, sẽ dẫn đến thiếu cạnh tranh và độc quyền, khi đó mất hết ý nghĩa của TCVM. Ông đề nghị NHNN phải làm chính sách nhanh để hoạt động TCVM có hiệu quả.