Tăng trưởng 48%/năm
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, từ năm 2017 trở lại đây thị trường TPDN) phát triển nhanh đã đáp ứng yêu cầu huy động vốn phát triển sản xuất kinh doanh của mọi loại hình DN.
Đặc biệt, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có xu hướng giảm, Ngân hàng Nhà nước điều hành thận trọng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, nhất là đối với một số ngành nghề nhạy cảm nhằm giảm thiểu rủi ro cho hệ thống các tổ chức tín dụng, các DN có xu hướng mở rộng việc huy động vốn thông qua phát hành TPDN riêng lẻ để huy động vốn cho sản xuất kinh doanh.
Số liệu từ Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, trong giai đoạn 2017-2020, tốc độ tăng trưởng của thị trường TPDN đạt bình quân 48%/năm. Trong năm 2020, khối lượng phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước tăng 29% so với năm 2019 đạt khoảng 430.000 tỷ đồng, trong đó: Phát hành riêng lẻ chiếm 93,4% tổng khối lượng phát hành, tăng 30,4% so với năm 2019; phát hành ra công chúng tăng 33% so với năm 2019.
Hoàn thiện khung khổ pháp lý
Phát triển thị trường vốn, trong đó có thị trường TPDN là chủ trương của Chính phủ nhằm góp phần giảm áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế của hệ thống các tổ chức tín dụng, hướng tới sự phát triển cân bằng hơn giữa hai thị trường này.
Tuy nhiên, trước tình hình thị trường TPDN tăng trưởng quá nhanh, trong bối cảnh Luật Chứng khoán năm 2010 vẫn cho phép nhà đầu tư cá nhân được tham gia mua và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ, để tránh những rủi ro có thể xảy ra ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung ngay một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP theo hướng nâng cao điều kiện phát hành, hạn chế khối lượng phát hành, tần suất phát hành TPDN và tăng cường chế độ công bố thông tin, báo cáo để giảm thiểu rủi ro trên thị trường TPDN.
Đồng thời, để xử lý tận gốc những tồn tại trên thị trường TPDN, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội thông qua các luật mới nhằm quy định thống nhất về phát hành TPDN riêng lẻ tại Luật Chứng khoán 2019 (đối với công ty đại chúng) và Luật DN 2020 (đối với công ty không phải là công ty đại chúng) theo hướng phân biệt giữa phát hành trái phiếu riêng lẻ với phát hành ra công chúng về đối tượng mua và giao dịch TPDN. Đối với TPDN phát hành riêng lẻ chỉ được phép bán và giao dịch cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; đối với TPDN phát hành ra công chúng được bán, giao dịch cho mọi đối tượng nhà đầu tư.
Triển khai Luật Chứng khoán và Luật DN, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định quy định về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ, chào bán TPDN phát hành ra công chúng và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán để tạo ra khung pháp lý thống nhất về TPDN bao gồm: Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ, chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (trong đó có quy định về phát hành trái phiếu DN ra công chúng) và Nghị định 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
“Theo đó, khung pháp lý mới về phát hành TPDN đã được hoàn thiện, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu của DN và tạo điều kiện cho các DN huy động vốn trái phiếu…” - đại diện Vụ Tài chính ngân hàng khẳng định.
Căn cứ quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 122/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 hướng dẫn chế độ công bố thông tin, báo cáo đối với TPDN. Thông tư này đã quy định cụ thể nội dung, biểu mẫu, cách thức công bố thông tin, báo cáo của DN phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Như vậy, khung khổ pháp lý đối với việc phát hành TPDN riêng lẻ đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ từ Luật Chứng khoán, Luật DN, Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 122/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính sẽ tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động phát hành TPDN của DN; nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư mua trái phiếu và tăng cường quản lý giám sát đối với phát hành TPDN của cơ quan quản lý và thúc đẩy phát triển đồng bộ cả thị trường sơ cấp và thứ cấp TPDN.
Cùng với quy định về TPDN riêng lẻ nêu trên, các quy định mới về phát hành trái phiếu DN ra công chúng tại Luật Chứng khoán, Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ sẽ hình thành bộ khung khổ pháp lý thống nhất để phát triển thị trường TPDN, góp phần phát triển thị trường vốn theo hướng công khai, minh bạch và an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN huy động vốn, thực hiện mục tiêu cân bằng hơn với thị trường tín dụng ngân hàng nhằm phát triển đồng bộ các kênh cung ứng vốn cho nền kinh tế.