Văn hóa & Pháp luật

Hoàn thiện khung pháp lý về quyền tác giả: Góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Quan điểm này được thể hiện trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 về việc hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý. Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng yêu cầu bảo hộ và thực thi quyền trong nước và hội nhập quốc tế.
Quy định về quyền tác giả cần được quy định chặt chẽ hơn. (Ảnh minh họa)
Quy định về quyền tác giả cần được quy định chặt chẽ hơn. (Ảnh minh họa)

Tạo môi trường sáng tạo công bằng, minh bạch

Nhạc sĩ Giáng Son bị “đánh bản quyền” ca khúc mà chính mình là tác giả trên Youtube; 13 năm là quãng thời gian mà họa sĩ Lê Linh dành để theo đuổi vụ kiện với Công ty Phan Thị và được công nhận là tác giả duy nhất của 4 nhân vật trong bộ truyện tranh thiếu nhi “Thần Đồng Đất Việt” do chính ông sáng tác. Không ít lần, các nhà đấu giá danh tiếng như Christie’s, Sotherby’s bị tố bán tranh giả của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam như Nguyễn Văn Tỵ, Lê Phổ, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân…, có những tác phẩm trị giá cả triệu đô.

Mặt khác, “bê bối” lớn nhất trong ngành phim ảnh gần đây không thể thiếu vụ khởi tố hình sự với những người tổ chức và vận hàng trang web phimmoi.net – nền tảng đứng thứ 17 về lưu lượng truy cập tại Việt Nam, bởi ngang nhiên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của hàng nghìn bộ phim. Ước tính, với 60-80 triệu lượt truy cập hàng tháng, chủ trang web này đã thu lợi bất chính từ quảng cáo – chủ yếu là trang web cờ bạc trực tuyến, khiêu dâm – lên đến hàng trăm tỷ đồng suốt chục năm trời tồn tại.

Những ví dụ nêu trên là những “hạt sạn” trong hàng loạt những vụ việc xâm phạm bản quyền tại Việt Nam, trong đó còn nhiều vụ chưa bị phát hiện hoặc đã chìm vào quên lãng. Tính riêng trong lĩnh vực điện ảnh, cơ quan chức năng đã thống kê được khoảng 200 trang web vi phạm bản quyền. Nếu mở rộng ra toàn ngành văn hoá thì hầu như lĩnh vực nào – âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh, thời trang, xuất bản, truyền hình… đều có “vùng tối”. Việc những “đứa con tinh thần” thường xuyên bị “ăn cắp” và “trục lợi” đã từ lâu trở thành nỗi niềm đau đáu, nhức nhối của những người sáng tạo. Việc lên mạng đấu tố, kêu gọi lòng tự trọng từ những “kẻ cắp trí tuệ” hay sự tẩy chay từ phía cộng đồng mạng là chưa đủ.

Trong bối cảnh Nhà nước đang khẩn trương tập trung phát triển ngành công nghiệp văn hoá, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin về năng lực sáng tạo của giới văn nghệ sĩ, trí thức. Tuy nhiên, mối lo ngại lớn hơn lại nằm ở chỗ làm sao có thể bảo vệ được những sản phẩm trí tuệ ấy trước những “kẻ cắp, kẻ trộm” ngày càng đông đảo và tinh vi hơn, khiến những nỗ lực sáng tạo trở nên “vô nghĩa”.

Do vậy, muốn phát triển văn hoá, điều tiên quyết là phải ngăn chặn, đẩy lùi được nạn vi phạm bản quyền. Thông qua các cuộc thanh, kiểm tra nghiêm ngặt, các tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền SHTT phải được “đưa ra ánh sáng” và nhận chế tài, hình phạt thích đáng theo đúng quy định pháp luật. Chỉ như vậy mới gìn giữ được kỷ cương phép nước, tạo môi trường sáng tạo công bằng, minh bạch, nâng cao vị thế cạnh tranh của nền văn hoá nước nhà trên trường quốc tế.

Kỳ vọng vào Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung

SHTT là một loại “tài sản đặc biệt”, cũng là một yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội trong nền kinh tế tri thức như hiện nay. Theo PGS.TS Phùng Trung Tập – Đại học Luật Hà Nội, kết quả sáng tạo trí tuệ là sản phẩm khác biệt so với tài sản hữu hình như động sản và bất động sản. Sản phẩm trí tuệ là kết quả của lao động, hoạt động trí tuệ tạo ra. Hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm sáng tạo trí tuệ phản ánh tư duy sáng tạo của con người. Các ý tưởng sáng tạo trí tuệ được thể hiện bằng kết quả tồn tại khách quan. Như vậy, quyền đối với tài sản này được xác định và được định giá bằng tiền.

Trong suốt 16 năm thi hành, kể từ khi được ban hành vào năm 2005, Luật SHTT đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào năm 2009 và năm 2019. Không phủ nhận Luật này đã phát huy những vai trò nhất định trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với tài sản trí tuệ nhưng vẫn chưa “thấm thoát” gì so với tốc độ phát triển xã hội. Nói cách khác, vẫn chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác, bảo vệ tài sản trí tuệ; cũng như chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho hoạt động đổi mới sáng tạo của giới văn nghệ sĩ, trí thức.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước tay hiện nay. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã công bố dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT với mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện pháp luật về SHTT; kế thừa giá trị của các văn bản pháp luật đã được ban hành; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng.

Riêng những vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan được cân nhắc sửa đổi cho phù hợp với thực tế bao gồm các nội dung: tác giả, đồng tác giả; quyền tài sản; đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, giả định quyền tác giả, quyền liên quan; tính toàn vẹn của tác phẩm; trách nhiệm pháp lý của các doanh nghiệp trung gian; sửa đổi, bổ sung các điều có liên quan đến Luật Giá.

Đồng thời, Luật cũng sẽ đáp ứng các yêu cầu cấp thiết khác như: bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học và công nghệ, tiếp cận các giá trị văn hóa, nghệ thuật, khoa học và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó; khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu trong các lĩnh vực; bảo hộ quyền SHTT theo quy định tại Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 16 năm thi hành Luật SHTT hiện hành; nội luật hóa các cam kết tại các điều ước quốc tế, hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia…

Tại trụ sở của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ở Geneva, Thụy Sỹ, ngày 17/11, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva đã trao Văn kiện nộp lưu việc Việt Nam gia nhập Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WCT) cho Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang, Cơ quan lưu chiểu theo quy định của Hiệp ước. Đây là một Hiệp ước đặc biệt theo Công ước Berne, liên quan đến việc bảo vệ các tác phẩm và quyền tác giả của tác phẩm trong môi trường số.

Việt Nam gia nhập Hiệp ước WCT không chỉ nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam mới tham gia, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), mà còn tạo một nền tảng pháp lý hữu hiệu để bảo vệ tác phẩm và quyền tác giả trên môi trường số. Theo Điều 21 Hiệp ước WCT, các quy định của Hiệp ước sẽ chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam sau ba tháng kể từ ngày văn kiện được trao cho Tổng Giám đốc WIPO.