Hoàn thiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

(PLVN) -Chiều 12/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì họp thẩm định Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Quang cảnh phiên họp thẩm định.
Quang cảnh phiên họp thẩm định.

Báo cáo tại phiên họp, đại diện Bộ Công an, cơ quan chủ trì soạn thảo nêu rõ, hoạt động cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) và CNCH có tác động trực tiếp, làm hạn chế quyền con người, quyền công dân như thực hiện các biện pháp y tế tác động đến người bị nạn; phá dỡ nhà, công trình, phương tiện, chướng ngại vật để mở lối tiếp cận, lối thoát nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng CNCH; ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm đe dọa an toàn phương tiện, tài sản, sức khỏe, tính mạng lực lượng CNCH và thực hiện các biện pháp khác trong quá trình CNCH... và theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”.

Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có hoạt động PCCC được quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy; đồng thời, qua rà soát các Luật hiện hành cho thấy mới chỉ có quy định về hoạt động tìm kiếm, CNCH khi xảy ra sự cố, tai nạn do thiên tai, thảm hoạ, xảy ra trên quy mô lớn, diện rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên ngành đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng, trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, phòng thủ dân sự, năng lượng nguyên tử, hóa chất, biển, hải đảo, môi trường…, còn đối với hoạt động CNCH đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày mà lực lượng PCCC và CNCH đang thực hiện như sự cố, tai nạn cháy, nổ, sập, đổ nhà, công trình, sạt lở đất, đá, có người bị mắc kẹt, tai nạn đuối nước và những sự cố, tai nạn thông thường khác lại chưa được quy định cụ thể trong văn bản Luật là chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và không phù hợp với Hiến pháp năm 2013, không bảo đảm cơ sở pháp lý đúng quy định để lực lượng PCCC thực hiện nhiệm vụ. Do đó, cần phải quy định đầy đủ trong dự thảo Luật PCCC và CNCH.

Đại diện các Bộ, ngành tham gia đóng góp ý kiến.

Đại diện các Bộ, ngành tham gia đóng góp ý kiến.

Theo đó, cùng với việc nghiên cứu, bổ sung quy định về hoạt động CNCH đối với những sự cố, tai nạn thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày cần thiết nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật PCCC và CNCH các quy định về: Tổ chức, hoạt động, phạm vi CNCH, các điều kiện bảo đảm và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác CNCH; công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về CNCH và những vấn đề khác có liên quan tới công tác CNCH để vừa bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân...

Góp ý tại phiên họp, đại diện Bộ Xây dựng nêu rõ, tại Khoản 2 Điều 26 dự thảo Luật quy định nguồn nước phục vụ cho PCCC phải được quy hoạch, đầu tư, xây dựng đảm bảo phục vụ công tác PCCC; tuy nhiên, chưa làm rõ việc quy hoạch nguồn nước này được quy định và thể hiện ở loại quy hoạch nào. Đồng thời, chưa có quy định về thanh toán nước sạch khi nguồn nước phục vụ cho PCCC được lấy trực tiếp từ hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh, bể chứa nước sạch. Do đó cần rà soát, chỉnh lý, làm rõ nội dung quy định tại Điều 26 dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện. Đồng thời, đề nghị làm rõ cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện thẩm định và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định trên cơ sở kết quả thẩm tra về PCCC của chủ đầu tư; làm rõ vai trò của đội ngũ tư vấn thẩm tra và chủ đầu tư…

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị đã góp ý vào các nội dung cụ thể về bổ sung quy định 4 tại chỗ trong PCCC&CNCH; bổ sung nội dung về quy chuẩn xây dựng để bảo đảm PCCC; nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước về kiểm tra PCCC; bổ sung nội dung “Chính phủ quy định việc phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Quốc phòng trong tổ chức thực hiện PCCC và CNCH đối với cơ sở quốc phòng”…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao dự thảo Luật PCCC&CNCH đã thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác PCCC và CNCH, đặc biệt là Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC và Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp.

Để hoàn thiện thêm Hồ sơ dự thảo Luật, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì sọan thảo cụ thể hóa, giải trình, thuyết minh thêm những nội dung chính sách nào đã được cụ thể hoá tại dự thảo Luật, những nội dung nào cần bổ sung, điều chỉnh. Thứ trưởng lưu ý, nội dung dự thảo Luật có sự giao thoa với nhiều Luật khác, vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; rà soát, điều chỉnh các thuật ngữ được sử dụng cho phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về quy định của dự thảo Luật liên quan đến rà soát phạm vi hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC và CNCH, tránh trùng lặp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng; nghiên cứu, xác định rõ thẩm quyền kiểm tra của cơ quan nhà nước trong PCCC, đảm bảo phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính; làm rõ việc huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các biện pháp PCCC; đánh giá kỹ nguồn lực để đảm bảo thực hiện Luật; chi tiết hơn một số nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PCCC&CNCH; chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, xử lý các tình huống nếu xảy ra cháy nổ bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả…

Đọc thêm