Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, trong những năm qua, công tác thu hồi tài sản, đặc biệt là thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng của Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, số tiền, tài sản thu hồi cao hơn so với nhiều năm trước đây. Mặc dù vậy, tỷ lệ thu hồi trên tổng số tiền, tài sản phải thu hồi vẫn còn thấp, chưa đạt như mong muốn, mục tiêu đề ra. Theo các đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhất là nguyên nhân liên quan đến thể chế, chính sách pháp luật.
Để hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội, nhiều ý kiến chuyên gia nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam là thành viên và Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội cũng phải bảo đảm không dẫn đến việc cản trở sự gia tăng thu nhập chính đáng của cán bộ, công chức, từ đó tạo động lực phục vụ các hoạt động công vụ được tốt hơn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, pháp luật về thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội phải thể chế hóa được đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là các nội dung cụ thể về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thu hồi tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội đã được thể hiện trong các nghị quyết, kết luận của Đảng; bảo đảm phù hợp với các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm đồng bộ, dễ theo dõi và thuận tiện trong áp dụng.