Truyền thông Chính sách

Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt: Cần quy định riêng về trình tự, thủ tục

(PLVN) - Thực tế triển khai Luật Thi hành án dân sự (THADS) cho thấy nhiều quy định về trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án dần bộc lộ hạn chế, đặc biệt là chưa có quy định riêng về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Điều này phần nào gây ra không ít khó khăn cho Chấp hành viên và cơ quan THADS khi thực hiện nhiệm vụ.
Chấp hành viên trao đổi nghiệp vụ.
Chấp hành viên trao đổi nghiệp vụ.

Vướng mắc khi áp dụng trình tự, thủ tục chung

Theo đó, pháp luật THADS chưa có quy định thời hạn hoàn thành, kết thúc từng khâu, giai đoạn, công việc như: thời hạn xác minh điều kiện thi hành án; thời hạn ra quyết định cưỡng chế thi hành án kể từ khi có căn cứ; thời hạn tối đa cơ quan THADS bắt buộc phải tổ chức cưỡng chế thi hành án trên thực tế; thời hạn để người có tài sản tự nguyện di chuyển tài sản để trả quyền sử dụng đất cho người phải thi hành án…

Nhiều quy định về trình tự, thủ tục chưa phù hợp dẫn đến tổ chức thi hành án bị kéo dài như: yêu cầu tống đạt các văn bản trong quá trình THADS, nhất là trường hợp đương sự vắng mặt hoặc không xác định được địa chỉ; thời hạn chủ sở hữu chung được ưu tiên mua một phần tài sản của người phải thi hành án quá dài (3 tháng đối với bất động sản, 1 tháng đối với động sản); không giới hạn số lần giảm giá để bán tài sản và có thể giảm đến khi giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế; chưa có thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp tài sản, quyền tài sản trong quá trình THADS và các giải pháp hạn chế việc đương sự lợi dụng việc khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp tài sản để kéo dài việc thi hành án.

Đối với các khoản thi hành án cho Nhà nước, nhất là đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng, số tiền bị thất thoát, chiếm đoạt là rất lớn, trong khi đó, đối tượng phải thi hành án là những người trước đó thường giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nên việc xác minh điều kiện về tài sản và áp dụng biện pháp bảo đảm cưỡng chế rất khó khăn.

Thực tiễn tổ chức thi hành các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế cho thấy kết quả thu hồi tài sản ở giai đoạn thi hành án phụ thuộc chủ yếu vào việc áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tạm dừng việc dịch chuyển tài sản của bị can, bị cáo, người phạm tội từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải quy định rõ về trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan trong truy tìm, kê biên, xử lý tài sản từ giai đoạn điều tra đến giai đoạn kết thúc thi hành án,

Tuy nhiên, hiện nay Luật THADS chưa có quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Theo đó cũng chưa có quy định về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng trong truy tìm, kê biên, xử lý tài sản từ giai đoạn điều tra đến khi kết thúc thi hành án. Trong khi đó, mỗi cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ đã được quy định trong các Luật riêng như: Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật THADS. Hiện tại, việc phối hợp giữa các cơ quan trong thu hồi tài sản của nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được thực hiện trên cơ sở Quy chế phối hợp số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC.

Tài sản đặc thù cần cơ chế đặc thù

Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề thực tiễn cho thấy việc áp dụng quy định về trình tự, thủ tục thi hành án nói chung đối với các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là không phù hợp như quy định về quyền thỏa thuận phân chia tài sản để đảm bảo thi hành án của đương sự tại Điều 74 Luật THADS, quy định về ủy thác thi hành án tại Điều 55, 56, 57 Luật THADS… Việc thi hành án đối với một số loại tài sản đặc thù trong các vụ án tham nhũng, kinh tế như cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp, tài sản là quyền sở hữu trí tuệ, tài sản hình thành trong tương lai chưa được quy định đầy đủ. Do đó hạn chế hiệu quả thi hành án đối với các loại vụ việc này.

Bên cạnh đó, Luật THADS chưa xác định chủ thể đại diện cho Nhà nước để thực hiện các “quyền của người được thi hành án” theo quy định của Luật THADS.

Đối với bán đấu giá tài sản, khi áp dụng trình tự thông thường sẽ không đáp ứng được yếu tố đặc thù trong THADS như: quyền nhận lại tài sản của người phải thi hành án trước khi mở cuộc bán đấu giá 1 ngày làm việc; việc bán đấu giá theo thủ tục rút gọn; việc xác định đấu giá tài sản thi hành án không thành; xử lý tiền đặt trước của người tham gia đấu giá…

Mặt khác, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 hiện còn nhiều tồn tại hay khoảng trống chưa điều chỉnh như: chưa xác định rõ “người có tài sản bán đấu giá” trong THADS, chủ thể ký kết hợp đồng, dịch vụ đấu giá tài sản là cơ quan THADS mà không phải Chấp hành viên; chưa quy định bắt buộc các trường hợp đấu giá tài sản thi hành án theo thủ tục rút gọn; chưa có quy định về những trường hợp được dừng cuộc đấu giá trong THADS do có quyết định hoãn, tạm đình chỉ thi hành án; chưa có quy định, hướng dẫn căn cứ xác định bước giá để cơ quan THADS tham khảo áp dụng; còn thiếu các quy định để ngăn chặn tình trạng thông đồng, dìm giá trong bán tài sản THADS; chưa có sự thống nhất giữa Luật THADS và Luật Đấu giá tài sản về khái niệm “bán đấu giá không thành”…

Để tháo gỡ những bất cập trên, Bộ Tư pháp cần phối hợp các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy định rõ về trách nhiệm phối hợp trong công tác THADS nói chung và thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng nói riêng.

Đọc thêm