Điều 49 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS) đã quy định rõ ràng về việc ra Thông báo tạm đình chỉ và Quyết định tạm đình chỉ trong các trường hợp cụ thể.
Một là: Thủ trưởng cơ quan THADS thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Quy định về vấn đề này phù hợp với các quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) và Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (TTHC). Theo khoản 2 Điều 332 BLTTDS thì người đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Người đã kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định tái thẩm (khoản 3 Điều 354 BLTTDS). Khoản 2 Điều 261 Luật TTHC cũng quy định: Người đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị, cơ quan THADS không ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án mà chỉ ra thông báo tạm đình chỉ thi hành án, việc ban hành thông báo được thực hiện ngay sau khi nhận được Quyết định tạm đình chỉ.
Trường hợp bản án, quyết định đã được thi hành một phần hoặc toàn bộ thì Thủ trưởng cơ quan THADS phải thông báo ngay bằng văn bản cho người đã kháng nghị. Theo Điều 346 BLTTDS, trường hợp bản án, quyết định của tòa án đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án.
Hai là: Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Toà án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án.
Thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án trong trường hợp này là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án. Việc tạm ngừng thi hành án trong thời điểm này là cần thiết bởi vì khi Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã… không được thanh toán bất kỳ khoản nợ cho bất kỳ chủ nợ nào, tạo thuận lợi cho tòa án trong việc giải quyết phá sản và cho công tác THADS sau này.
Đồng thời Luật THADS cũng quy định rõ về khoản lãi suất chậm thi hành án, trong thời gian tạm đình chỉ thi hành án do có kháng nghị thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án.
Tuy nhiên, quy định về tạm đình chỉ thi hành án vẫn còn có những điểm chưa thống nhất với những quy định khác. Ví dụ: Thủ trưởng cơ quan THADS thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Tuy nhiên, Điều 103 Luật THADS về bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án quy định: “Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan THADS tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác”.
Như vậy, nếu việc thi hành án thuộc giai đoạn đã bán đấu giá thành và chờ giao tài sản cho người trúng đấu giá mà cơ quan THADS nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án thì việc thi hành án sẽ bị tạm đình chỉ hay tiếp tục tổ chức giao tài sản cho người trúng đấu giá?
Do đó, đề xuất quy định bổ sung thêm trường hợp ngoại lệ khi tạm đình chỉ thi hành án đối với trường hợp giao tài sản cho người trúng đấu giá theo quy định tại Điều 103 Luật THADS để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của người mua trúng đấu giá tài sản thi hành án.