Văn hóa & Pháp luật

Hoàn thiện thể chế, chính sách: Động lực để những loại hình du lịch mới phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Được xác định là những loại hình du lịch chính sau đại dịch, du lịch sinh thái nói riêng, các loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, dựa vào thiên nhiên nói chung vẫn hầu như chưa thể khai phá hết tiềm năng. Trong các yếu tố tác động, nguyên nhân được kể đến là bởi còn thiếu cơ chế, hành lang pháp lý tạo điều kiện để phát triển những hoạt động du lịch này.
Du lịch sinh thái, trở về với thiên nhiên là loại hình hứa hẹn thu hút du khách.
Du lịch sinh thái, trở về với thiên nhiên là loại hình hứa hẹn thu hút du khách.

Du lịch sinh thái gặp khó bởi cơ chế

Nằm trong khuôn khổ dự án “Du lịch bền vững và các khu bảo tồn trong bối cảnh hậu COVID-19” do Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN) triển khai. Từ tháng 9-12/2022, IUCN đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) thực hiện nghiên cứu “Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến hoạt động du lịch tại các vườn quốc gia (VQG) và khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) ở Việt Nam và các kế hoạch tương lai”. Theo đó, các chuyên gia đã chỉ ra hoạt động khai thác du lịch tại các VQG và KBTTN ở Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều hạn chế và thách thức.

Theo PGS.TS. Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái (DLST) ở các VQG, KBTTN nước ta là rất lớn bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học phong phú và đặc trưng. Về sản phẩm du lịch, điểm đến này có thể phát triển đa dạng các loại hình khác ngoài DLST như du lịch hội nghị, du lịch mạo hiểm, du lịch tham quan, khám phá hệ sinh thái rừng, du lịch cộng đồng bản địa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch biển, du lịch sự kiện (giải chạy marathon, liveshow…).

Tuy nhiên, đoàn nghiên cứu đánh giá chung về hiện trạng phát triển du lịch là hầu hết các VQG, KBTTN đều gặp nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, loại hình và sản phẩm du lịch, hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch, sự tham gia của các bên liên quan, cũng như kết quả kinh doanh du lịch.

Đơn cử, VQG Bến En (Thanh Hóa) được thành lập cách đây 30 năm, có cảnh quan rất đẹp để phục vụ hoạt động du lịch, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể khai phá hết tiềm năng bền vững. Ông Lê Công Cường – Giám đốc VQG Bến En (Thanh Hóa) chia sẻ, điểm yếu đầu tiên của du lịch Bến En là hạ tầng du lịch hạn chế, về phía Nhà nước chỉ đầu tư cho quản lý du lịch chứ chưa đầu tư cho dịch vụ du lịch. Thứ hai là yếu kém về nhân lực, hạn chế về năng lực của người làm du lịch. Thứ ba là hiện trạng quảng bá du lịch còn yếu kém. Có đợt cao điểm VQG này có thể đón nghìn lượt khách nhưng bởi hạn chế về cơ sở hạ tầng nên khách phải xếp hàng dài, đến không được phục vụ khiến họ bức xúc. Trong khi đó, các dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống, giải trí đều không có gì. Mặc dù có tiềm năng rất lớn về du lịch cảnh quan, du lịch nghiên cứu, khám phá thiên nhiên hay du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, nhưng những điều này đều chưa được khai thác.

Một ví dụ khác là hoạt động khai thác du lịch tại VQG Xuân Thủy (Nam Định) cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Ông Vũ Quốc Đạt – Phó Giám đốc VQG Xuân Thủy, cho hay: “Từ cuối 2019 đến cuối 2021, dưới tác động của dịch COVID-19, lượng khách đến Xuân Thủy hầu như không có”. Trong khi đó, tiềm năng của điểm đến này là sở hữu một hệ sinh thái đất ngập nước điển hình cho khu vực cửa sông ven biển miền Bắc, có mùa chim di trú, loại hình du lịch trải nghiệm cũng thu hút đông du khách và giao thông với các thành phố lớn khá thuận tiện.

Ông Đạt cũng dẫn chiếu một thống kê năm 2017 cho biết, hoạt động DLST đã xuất hiện ở rất nhiều VQG, KBTTN trên toàn quốc từ thời điểm này nhưng chủ yếu chỉ mang tính tự phát. “Đây là những cơ quan đơn thuần làm trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, quản lý và bảo vệ tài nguyên, phát triển nông nghiệp là chính; những chức năng về DLST liên quan nguồn lực, kinh nghiệm, quản lý, tổ chức… còn nhiều hạn chế. Bởi loại hình tự phát nên còn thiếu sự liên doanh, liên kết. Trong khi đó, hoạt động này còn đối mặt với một khó khăn lớn là cơ chế, bởi theo quy định pháp luật, các VQG, KBTTN phải xây dựng Đề án DLST được phê duyệt, trong đó vạch ra làm gì, xây dựng gì, áp dụng cơ chế nào thì các VQG, KBT mới có công cụ để đẩy mạnh xã hội hoá, công tác quảng cáo”, theo ông Đạt. Tuy nhiên, thực trạng được phê duyệt Đề án DLST tại các VQG, KBTTN vẫn còn tương đối hạn chế.

Chung quan điểm phía các doanh nghiệp du lịch cũng cho rằng, việc thiếu các cơ chế để bảo vệ nguồn đầu tư, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vào phát triển các loại hình du lịch phối hợp cùng các VQG, KBTTN khiến họ chần chừ chưa dám đầu tư.

Thời gian dịch bệnh, VQG Xuân Thủy hầu như không có khách.

Thời gian dịch bệnh, VQG Xuân Thủy hầu như không có khách.

Cần chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch

Đáng nói, Việt Nam là quốc gia phong phú và đa dạng về tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch trong đó loại hình DLST ngày càng phát triển và thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước. Trong các Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2001 - 2010 hay Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Theo Quyết định số 2473/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/12/2011) luôn xác định DLST là một trong các dòng sản phẩm du lịch chính, có sức cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Sau đại dịch, du lịch hướng về thiên nhiên, du lịch bền vững và có trách nhiệm cũng được đánh giá là xu hướng chính nhằm phục hồi và phát triển ngành du lịch của các quốc gia. Tuy nhiên, việc thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào loại hình du lịch tiềm năng này đã tạo nên rào cản khiến cho DLST khó thể khai phá hết tiềm năng. Đáng nói, đây còn là tình trạng chung của toàn ngành du lịch Việt Nam, không chỉ riêng các loại hình DLST.

Đến thời điểm hiện tại, ngành du lịch Việt Nam đã trải qua hơn một thập kỷ thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cùng với đó là hơn 5 năm triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, một trong những bất cập được phản ánh nhiều nhất là, đến nay các ngành liên quan vẫn chưa ban hành được các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch.

Trong các giải pháp “Đầu tư và chính sách phát triển du lịch”, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ: “Nhà nước có chính sách ưu tiên hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo nhân lực và xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch. Đồng thời, thực hiện chính sách phát triển bền vững; có chính sách ưu đãi đối với phát triển du lịch sinh thái, du lịch “xanh”, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm”.

Nghị quyết số 08-NQ/TW cũng xác định trong phần nhiệm vụ và giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách: “Về đầu tư, ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch, nhất là các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa có tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch”.

Trước thực trạng đến nay vẫn chưa có các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch nhằm tạo động lực quan trọng để phát triển du lịch hậu COVID-19, ông Nguyễn Văn Mạnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đề nghị làm rõ nguyên nhân và những giải pháp trong thời gian tới.

Trả lời bằng văn bản, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn nêu rõ, việc thu hút đầu tư để phát triển ngành du lịch Việt Nam trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế do một số nguyên nhân như: Du lịch chưa thuộc danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư theo Luật Đầu tư 2020, chưa thuộc danh mục lĩnh vực được thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư năm 2020; việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế đêm gắn với thu hút khách du lịch còn vướng các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, lao động...

Bên cạnh đó còn những rào cản khác như chính sách miễn thị thực đơn phương, cấp visa điện tử đã triển khai nhưng tính cạnh tranh còn thấp; chưa có văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia tại nước ngoài; nguồn lực cho xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế; hoạt động liên kết, hợp tác, phối hợp liên ngành, liên vùng chưa phát huy hiệu quả…

Để giải quyết tình trạng trên, trong thời gian tới, Bộ VH,TT&DL sẽ tiếp tục kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng đưa du lịch thành ngành nghề ưu đãi, khuyến khích đầu tư để tạo điều kiện cho ngành du lịch Việt Nam phát triển đúng với tiềm năng vốn có.

“Muốn văn hóa Việt Nam thực sự trở thành “sức mạnh mềm” của đất nước, tôi cho rằng, cần phải xác lập được lộ trình xây dựng “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam. Chúng ta cần chuyển hóa được nguồn di sản văn hóa vô cùng dồi dào phong phú của đất nước, những giá trị văn hóa tốt đẹp thành các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có khả năng hấp dẫn, thu hút thế giới đến với Việt Nam thông qua du lịch văn hóa, thông qua truyền thông quảng bá, giao lưu văn hóa, xúc tiến thương mại văn hóa để từng bước định hình hình ảnh quốc gia, văn hóa, con người Việt Nam một cách tích cực trong quan hệ quốc tế” - trích ý kiến của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng dịp trả lời lời phỏng vấn Báo PLVN.

Đọc thêm