Hoàn thiện thể chế, cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(PLVN) - Sáng 6/5, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Cục Phổ biến giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) đã tổ chức Hội nghị về Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các Bộ ngành, Hiệp hội để bàn các giải pháp nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dự thảo báo cáo Tổng kết 06 năm thực hiện Nghị định 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ ra một số quy định của Nghị định này đã bộc lộ bất cập, chưa tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định được kịp thời, thuận tiện như:

Hiện nay, chưa có quy định ưu tiên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp tạo tác động xã hội… Trong khi đó, Nghị quyết 10-NQ/TW và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh vai trò then chốt của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Tuy nhiên, Nghị định 55/2019/NĐ-CP mới chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa quy định hỗ trợ pháp lý cho khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể - lực lượng đông đảo nhưng còn hạn chế về quy mô, tiềm lực.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Bên cạnh đó, đa số bộ, ngành chưa công bố mạng lưới tư vấn viên pháp luật; chi phí hỗ trợ pháp lý còn thấp, thủ tục rườm rà… Vì vậy, cần hoàn thiện thể chế theo hướng xác định rõ trách nhiệm cơ quan liên quan, mở rộng đối tượng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần bổ sung đối tượng thụ hưởng là hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã để phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và nhu cầu của xã hội; có cơ chế chung về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và cơ chế ưu tiên, đặc thù cho từng loại đối tượng cần được ưu tiên theo các Nghị quyết của Đảng.

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý Lê Vệ Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 55/2019/NĐ-CP nhằm phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, đồng thời khẳng định vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc đồng hành, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý Lê Vệ Quốc phát biểu kết luận hội nghị.

Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý Lê Vệ Quốc phát biểu kết luận hội nghị.

Các cơ quan cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của mình trong chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chủ động trao đổi, thảo luận để làm rõ các vướng mắc hiện nay như khó khăn về chính sách, tiếp cận nguồn lực… và từ đó đề xuất giải pháp thiết thực, hiệu quả để tháo gỡ những vướng mắc đó.

Ông Lê Vệ Quốc đề nghị trong thời gian tới, các Bộ ngành cần tập trung xây dựng chương trình, đôn đốc và theo dõi quá trình thực hiện… bảo đảm chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thực sự đi vào cuộc sống, có tác động tích cực, góp phần nâng cao năng lực pháp lý cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Nghị quyết 68 mới ban hành về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Đọc thêm