Hoàn thiện thể chế về văn học, nghệ thuật là sứ mệnh chung của cả hệ thống chính trị

(PLVN) - Ngày 25/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Hội nghị khẳng định văn học, nghệ thuật Việt Nam trong 50 năm qua đã đi đúng hướng, đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Hội nghị khẳng định văn học, nghệ thuật Việt Nam trong 50 năm qua đã đi đúng hướng, đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn học, nghệ thuật

Điều hành nội dung tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn học, nghệ thuật đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các tham luận tại Hội nghị đã tập trung khẳng định những thành tựu, kết quả đạt được của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày thống nhất đất nước; đề xuất, kiến nghị chủ trương, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà trong giai đoạn mới.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày tham luận. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày tham luận. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)

Tham luận tại Hội nghị với chủ đề: Hoàn thiện thể chế, chính sách về văn học, nghệ thuật sau 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ: Trong 50 năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật đã thiết lập những chế định quan trọng, cơ bản nhất; khẳng định quyền văn hóa của tất cả công dân Việt Nam; trong đó, có quyền được hưởng thụ các giá trị văn hóa, quyền được sáng tạo, trình diễn, thực hành văn hóa, nghệ thuật, quyền được tôn trọng biểu đạt đa dạng văn hóa theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với các nguyên tắc và các chuẩn mực quốc tế.

Đất nước ta đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện thể chế, chính sách về văn học, nghệ thuật cần được xem là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Để hiện thực hóa điều đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề xuất một số định hướng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về văn học, nghệ thuật, trong đó cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn thiếu trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Có chính sách đột phá phát triển nhân lực văn học, nghệ thuật bảo đảm về chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, xem đây là nhiệm vụ ưu tiên, đặc biệt quan trọng. Đổi mới cơ chế đầu tư phát triển văn học, nghệ thuật…

“Sự nghiệp hoàn thiện thể chế, chính sách cho văn học, nghệ thuật là trách nhiệm không chỉ của ngành văn hóa mà là sứ mệnh chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chỉ khi các nghệ sĩ được tạo điều kiện tự do sáng tạo, các tác phẩm có giá trị được tôn vinh, khán giả được giáo dục thẩm mỹ, xã hội có được một môi trường văn hóa lành mạnh - thì văn học, nghệ thuật Việt Nam mới thật sự trở thành “sức mạnh mềm” quốc gia, dẫn bước cho đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh khẳng định.

Khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong hành trình đó, văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sỹ là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng, đóng góp không nhỏ vào các mốc son vĩ đại của dân tộc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương khẳng định văn học, nghệ thuật Việt Nam trong 50 năm qua đã đi đúng hướng, đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng, phản ánh sâu sắc đời sống xã hội, góp phần quan trọng trong xây dựng con người, phát triển văn hóa, bảo vệ và phát triển đất nước. Văn nghệ sĩ tiếp tục là lực lượng tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, góp phần kiến tạo nên “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam trong tiến trình hội nhập.

Nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết trong kỷ nguyên phát triển mới, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức lãnh đạo cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Theo đó, cần đặc biệt quan tâm đến quyền tự do sáng tạo, tôn trọng tính đặc thù của hoạt động nghệ thuật và khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.

Bên cạnh đó là việc hoàn thiện thể chế, chính sách - một trụ cột quan trọng để phát triển bền vững văn học, nghệ thuật. Những quy định, chính sách đã lạc hậu cần được loại bỏ dứt khoát. Đồng thời, cần thể chế hóa rõ ràng chủ trương của Đảng về văn hóa, văn nghệ thành các quy định pháp luật cụ thể, đồng bộ.

Nêu rõ đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, có những cơ hội và thách thức đan xen, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam cần tiếp tục kề vai sát cánh, đồng tâm hiệp lực để thực hiện sứ mệnh cao cả. Thông qua các tác phẩm, đội ngũ văn nghệ sĩ chính là người đã ươm trồng hạt giống về cái đẹp và lòng nhân ái và sự nhân văn cao cả, gìn giữ và thổi bùng lên ngọn lửa của truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tự tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

“Mỗi văn nghệ sĩ, mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật chân chính sẽ góp phần bồi đắp xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; từ đó mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng của dân tộc ta”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Đọc thêm