Nhìn lại chặng đường 4 năm trên cương vị Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, đồng chí Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã có những đóng góp quan trọng, tạo nên những chuyển biến rõ nét trong một số lĩnh vực công tác tổ chức cán bộ.
Trong đó, nhiệm vụ hoàn thiện thể chế về tổ chức bộ máy của Bộ, Ngành được đồng chí ưu tiên tập trung. Đồng chí đã cùng tập thể Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu bài bản, hiệu quả với Lãnh đạo Bộ việc kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Theo đó, ngày 16/8/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp thay thế Nghị định số 22/2013/NĐ-CP. Nghị định số 96/2017/NĐ-CP đã tiếp tục hệ thống hóa, quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mới được giao cho Bộ Tư pháp theo hướng cụ thể, không chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn với các Bộ, ngành khác; quy định rõ cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng chí Thái đã chủ động tham mưu với Lãnh đạo Bộ thực hiện kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan Tư pháp địa phương đảm bảo tinh gọn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao…
Để xây dựng lực lượng cán bộ, công chức Tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Quang Thái luôn chú trọng đề xuất với Lãnh đạo Bộ ban hành các kế hoạch, đề án về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức. Trong đó ưu tiên bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và khung năng lực vị trí việc làm; chú trọng đào tạo công chức trẻ trở thành đội ngũ cán bộ chuyên gia của Bộ, Ngành trong tương lai đồng thời gắn kết chặt chẽ hơn giữa đào tạo với quy hoạch nhân lực trẻ. Tính riêng từ năm 2016 đến nay, Bộ đã tổ chức 72 lớp theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm cho 4.656 lượt công chức, viên chức của Bộ, ngành Tư pháp. Các cơ sở đào tạo cấp Bộ tiếp tục được khẳng định vị trí, vai trò trong việc cung cấp nguồn nhân lực làm công tác pháp luật, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Cùng với công tác đào tạo bồi dưỡng, từ năm 2016, đồng chí đã chỉ đạo tổ chức rà soát, đánh giá việc quản lý, sử dụng biên chế của các đơn vị thuộc Bộ, từ đó đề ra giải pháp gắn kết chặt chẽ giữa công tác quản lý biên chế và tinh giản biên chế.
Theo đó, Vụ đã báo cáo và tham mưu với Lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định phê duyệt Phương án phân bổ biên chế năm 2017 và giai đoạn 2017-2021 đối với 23 đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ. Bộ Tư pháp đã thực hiện phân bổ biên chế theo giai đoạn kết hợp với phân bổ biên chế từng năm cho các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp, từ đó đã tạo được sự chủ động của cơ quan quản lý trong lộ trình tinh giản biên chế, đảm bảo mức đạt tối thiểu 10% theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Song song với việc tăng cường quản lý biên chế từ đầu vào, Vụ Tổ chức cán bộ đã đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ thực hiện Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021. Nhìn chung, công tác quản lý biên chế của Bộ đã được thực hiện khá bài bản, nền nếp, quyết tâm thực hiện chủ trương tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của Bộ.
Với những nỗ lực trên, tập thể Vụ Tổ chức cán bộ đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Cá nhân đồng chí Nguyễn Quang Thái đã vinh dự được công nhận nhiều danh hiệu khen thưởng như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2019); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (2016, 2017, 2018); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (2018); Chiến sỹ thi đua cơ sở năm 2015-2017; được bình chọn Điển hình tiên tiến của ngành Tư pháp giai đoạn 2015-2020…