Thông tin từ Hồng Kông về việc hai loại sữa bột Wakodo và Morinaga của Nhật Bản có hàm lượng i-ốt thấp, không đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ phát đi đúng vào dịp Việt Nam tổ chức "Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ” (1-7/8).
Sản phẩm sữa Wakodo trên các trang mạng Việt Nam |
Như tin PLVN đã đưa, nhà chức trách Hồng Kông yêu cầu thu hồi hai loại sữa này với lý do hàm lượng i-ốt chưa tới 1/3 mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Trung tâm An toàn Thực phẩm Hồng Kông cho biết: “Việc thiếu i-ốt sẽ ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp. Nếu chức năng thông thường của tuyến giáp bị tác động mạnh, thì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của não bộ”.
Tại thị trường TP.HCM, nhãn hiệu sữa Wakodo chủ yếu được bán qua mạng, nhãn hiệu Morinaga có bán ở các cửa hàng sữa lớn. Hai nhãn hàng được nhập khẩu bởi hai nhà phân phối Hoàng Dương và Lê Mây.
Trên các trang bán hàng online, sữa bột Wakodo HiHi hộp nhỏ 300g dành cho trẻ từ sơ sinh đến 1 tuổi có giá 290.000 đồng (đ)/hộp, Wakodo dành cho trẻ sơ sinh loại 850g giá 525.000đ/hộp, Wakodo GunGun (trẻ từ 1-3 tuổi) loại 350g giá 250.000đ/hộp, sữa Wakodo Malt Extract dành cho trẻ bị táo bón dạng hộp giấy (12 gói) có giá 306.000đ/hộp….
Các đại lý phân phối sữa Morinaga ở TP.HCM cho biết, hai ngày nay sức mua loại sữa này “khựng” lại vì nhiều người lo sợ sữa thiếu i-ốt. Trên các diễn đàn, không ít bà mẹ tỏ ra hoảng hốt: “Con mình quen uống Wakodo rồi, uống suốt từ lúc còn chưa đầy một tuổi đến nay đã gần 3 tuổi, liệu có làm sao không?”.
Tuy nhiên, cũng có người bình tĩnh trấn an: “Người tiêu dùng phải đặc biệt cảnh giác, vì phía Hồng Kông rất hay đưa các thông tin thất thiệt về sữa. Không chỉ Wakodo, các hãng sữa khác như Abbott của Mead Johnson hay Friso của FrieslandCampina cũng thường xuyên đối mặt với tin đồn. Hãy bình tĩnh và chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam hoặc Nhật Bản”.
Sữa Morinaga được phân phối chính thức bởi Công ty Lê Mây. Sau khi có thông tin sữa Morinaga thiếu iốt, trên website của công ty này có thông tin khẳng định sữa Morinaga ở Việt Nam không thiếu i-ốt như tin đồn.
Liệu hai loại sữa trên có nguy hại tới sức khỏe và trí thông minh của trẻ hay chỉ là “chiêu” tranh tranh giành thị phần giữa các hãng sữa?. Câu trả lời chỉ có thể đến từ từ phía các cơ quan chức năng, nhưng đây không phải là lần đầu tại Việt Nam, người tiêu dùng phải phải thẩm thỏm về chất lượng sữa ngoại.
Tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ngày càng giảm
Thông tin từ Hồng Kông phát đi đúng vào dịp Việt Nam đang tổ chức "Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ” (1-7/8), hoạt động do Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Dự án Nuôi dưỡng và Phát triển (Alive & Thrive) phát động.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: tháng 6/2012, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản lên 6 tháng và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Luật Quảng cáo (có hiệu lực từ 1/1/2013), trong đó qui định chặt về quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ...
Như vậy, có thể nói đã có đủ hành lang pháp lý tạo điều kiện cho việc nuôi con bằng sữa mẹ nhưng trên thực tế lại không nhiều người thực hiện, dù mọi người đều biết, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu của trẻ và tiếp tục cho con bú sữa mẹ trong những tháng tiếp theo mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe trẻ em.
Theo bà Netmat Hajeebhoy, Giám đốc Chương trình Nuôi dưỡng và Phát triển tại Việt Nam, kết quả một nghiên cứu thị trường gần đây cho thấy, lượng sữa bột tiêu thụ trên thị trường Việt Nam đã tăng tới 17%/năm, trong khi tỉ lệ nuôi con bằng hoàn toàn sữa mẹ từ 34% (năm 1998) nay giảm còn 19%.
Còn theo Bộ Công Thương, dù kinh tế khó khăn song sản xuất của ngành sữa trong quý I/2012 vẫn ổn định, ước đạt 17.500 tấn, tăng 15,5% so với cùng kỳ 2011. Sữa sản xuất trong nước đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu thị trường, còn lại phụ thuộc vào sữa nhập khẩu, trong khi sức tiêu thụ sữa tại thị trường Việt Nam vẫn liên tục tăng cao.
Quý II, hầu hết các ngành công nghiệp, chế biến “hàng chất đầy kho”, riêng ngành sữa vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt với mức tăng 19,9%. Bộ Công thương cho biết, hiện nay sản phẩm sữa là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng khá cao trong ngành thực phẩm ở Việt Nam. Tháng 7 sản lượng sữa bột ước đạt 5,6 nghìn tấn, tăng 8,2% so với tháng 7/2011. Tính chung 7 tháng, sản lượng sữa bột ước đạt 43,5 nghìn tấn, tăng 22,9% so với cùng kỳ.
Mai Hoa