Hoạt động dịch vụ việc làm có cần kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh?

(PLO) - Theo quan điểm của các chuyên gia và doanh nghiệp, hoạt động dịch vụ việc làm không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh, và giả sử đây là ngành, nghề cần thiết phải kiểm soát bằng các điều kiện kinh doanh, thì những điều kiện kinh doanh hiện hành tại Nghị định 52/2014/NĐ-CP cũng không hợp lý, từ đó có thể xem xét bỏ điều kiện kinh doanh này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 Có cần thiết?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Bộ luật Lao động thì “Tổ chức dịch vụ việc làm có chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người lao động (NLĐ); cung ứng và tuyển LĐ theo yêu cầu của người sử dụng lao động (NSDLĐ); thu thập, cung cấp thông tin về thị trường LĐ và thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật”.

“Dịch vụ việc làm” là hoạt động có tính chất cung cấp dịch vụ cho NLĐ, NSDLĐ. Nói cách khác, đây bản chất là dịch vụ môi giới việc làm, một quan hệ “tư” thuần túy giữa người cung ứng dịch vụ việc làm với NLĐ, giữa người cung ứng dịch vụ việc làm với NSDLĐ.

Theo nhận định của các chuyên gia và cộng đồng DN được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp trong bản góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, về cơ bản, hoạt động cung ứng dịch vụ việc làm có thể tác động tới lợi ích công cộng ở hai góc độ. 

Từ góc độ tích cực, hoạt động này sẽ giúp cho người dân tìm kiếm được việc làm, giảm tình trạng thất nghiệp, giúp cơ sở sản xuất kinh doanh tìm kiếm được nhân lực phục vụ, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Từ góc độ tiêu cực, nếu là trường hợp cung ứng dịch vụ cho NSDLĐ có hoạt động kinh doanh ngầm, trái pháp luật, sử dụng LĐ không tuân thủ các quy định của pháp luật LĐ…, có thể khiến NLĐ bị thiệt hại. Mặc dù vậy, trong những trường hợp như thế này, nguyên nhân chính là ở cơ sở sử dụng LĐ chứ không phải ở đơn vị cung ứng dịch vụ việc làm. Hơn thế nữa, nếu không có bên cung ứng dịch vụ việc làm, NSDLĐ, NLĐ trong những trường hợp này vẫn có nhiều kênh khác để tìm đến được nhau.

Vì thế, cộng đồng DN cho rằng, trong tổng thể, có thể thấy mức độ tác động của hoạt động này tới các lợi ích công cộng có thể có nhưng không đến mức buộc Nhà nước phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh. Đó là chưa kể tới những lợi ích mà dịch vụ này mang lại cho thị trường LĐ. Vì vậy, không nên xếp dịch vụ việc làm vào nhóm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà chỉ nên coi đây là ngành nghề kinh doanh thông thường, quản lý bằng các biện pháp quản lý chung (theo pháp luật về đăng ký kinh doanh, đầu tư…)

Nhiều điều kiện chưa hợp lý

Tuy nhiên, giả sử đây là ngành, nghề cần thiết phải kiểm soát bằng các điều kiện kinh doanh, thì các chuyên gia của VCCI cũng chỉ ra những điều kiện kinh doanh hiện hành không hợp lý.

Ví dụ, điều kiện về trụ sở, theo Điều 8 Nghị định 52/2014/NĐ-CP  điều kiện thủ tục cấp giấy phép doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm thì “Địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh của doanh nghiệp phải ổn định và có thời hạn từ 03 năm (36 tháng) trở lên; nếu là nhà thuộc sở hữu của người đứng tên đăng ký doanh nghiệp thì trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải có giấy tờ hợp lệ, nếu là nhà thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà có thời hạn thuê từ 03 năm (36 tháng) trở lên”.

Quy định này suy đoán là có thể giúp cho các đối tác của DN dịch vụ việc làm có thể xác định được trụ sở làm việc, tạo niềm tin trong các giao dịch.

Tuy nhiên, quy định này can thiệp quá sâu vào quan hệ thỏa thuận hợp đồng giữa các chủ thể dân sự, bởi, về pháp luật, việc xác định thời hạn thuê bao lâu tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên – đây là quyền tự do hợp đồng đã được pháp luật dân sự ghi nhận và bảo vệ. Về thực tiễn kinh doanh, bản thân DN kinh doanh có nhu cầu thay đổi địa điểm kinh doanh trong quá trình kinh doanh vì các lý do khác nhau là chuyện bình thường và là quyền tự do đương nhiên của DN, Nhà nước không cần thiết và cũng không có quyền can thiệp.

Về mục đích, mục tiêu “tạo niềm tin” không phải là mục tiêu công cộng thích hợp để làm căn cứ cho một điều kiện kinh doanh. Bên cạnh đó, về hiệu quả, quy định này không có hiệu quả thực tế trong quản lý đối với DN (bởi DN vẫn có thể thay đổi trụ sở chính sau khi xin giấy phép).

Đối với điều kiện về nhân lực, theo Điều 9 Nghị định 52/2014/NĐ-CP thì “Bộ máy chuyên trách để thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm bao gồm ít nhất 03 nhân viên có trình độ cao đẳng trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, lý lịch rõ ràng”. Quy định này bị coi là bất hợp lý, bởi không có tính đặc thù và không rõ mục tiêu quản lý.

Một điểm bất hợp lý nữa được chỉ ra liên quan đến điều kiện tài chính. Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 52/2014/NĐ-CP thì “DN phải nộp tiền ký quỹ là 300 triệu đồng tại ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch chính”. Việc yêu cầu DN phải ký quỹ một khoản tiền trong suốt quá trình hoạt động sẽ tạo khó khăn về tài chính cho DN, trong khi xét về mặt kinh tế thì một khoản tiền “đóng băng” không được sử dụng kinh doanh là không hợp lý. Việc ký quỹ nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể chịu thiệt hại trong quá trình hoạt động dịch vụ việc làm của DN. Nhưng, như phân tích ở trên, các chủ thể trong mối quan hệ với DN cung cấp dịch vụ việc làm có thể bảo vệ quyền lợi của mình trên cơ sở hệ thống pháp luật tư, hoạt động này không gây ra thiệt hại trên diện rộng nên mục tiêu này là không cần thiết.

Đọc thêm