Hoạt động kinh tế Đảng ở TP HCM: Không đầu tư vào chứng khoán, bất động sản

(PLVN) - Ngày 27/4, tại Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, Hội nghị cần tập trung cho ý kiến về quan điểm cơ cấu lại và đổi mới hoạt động kinh tế Đảng theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tập trung đầu tư trên các lĩnh vực có rủi ro thấp, nguồn thu ổn định; không đầu tư các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, trừ hoạt động đầu tư, khai thác cho thuê tài sản nhà đất thuộc sở hữu của Đảng bộ TP HCM để hạn chế tối đa lãng phí.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị.

Bàn sâu những hạn chế, tìm giải pháp đột phá

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên thông tin, Hội nghị lần này xem xét, cho ý kiến về 3 nội dung. Đó là về tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II năm 2022; Đề án tổ chức sắp xếp, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đảng của Đảng bộ TP HCM giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện quy trình công tác cán bộ.

Bí thư Thành ủy TP HCM bày tỏ phấn khởi khi tình hình kinh tế - xã hội của TP HCM trong quý I năm 2022 và tháng 4/2022 có nhiều điểm sáng; Nhiều hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật được khôi phục và có sức lan tỏa ngày càng lớn. An ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Công tác đối ngoại được tăng cường. Hệ thống chính trị sau giai đoạn thử thách chưa từng có trong ứng phó với đại dịch đã từng bước sắp xếp, củng cố tăng cường và tạo những chuyển biến mới về tinh thần trách nhiệm, ý thức.

"Có thể nói, TP HCM vượt qua năm 2021 đầy khó khăn và có bước chạy đà cho năm 2022 khá tốt", Bí thư Thành ủy TP HCM nhận xét và khẳng định, niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được phục hồi phục và phục hồi mạnh mẽ. Điều này đã góp phần từng bước ổn định và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, các hoạt động đời sống xã hội đã nhộn nhịp trở lại. Dù vậy, trước mắt vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, TP HCM tiếp tục cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa.

Từ đó, Bí thư Thành ủy TP HCM gợi mở nhiều vấn đề trọng tâm cần thảo luận, cho ý kiến, như bàn sâu những hạn chế, những chỉ tiêu nhiệm vụ chưa đạt và đánh giá nguyên nhân, tìm giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Cùng với đó là việc dự báo tình hình, những thuận lợi, khó khăn, thách thức của thành phố thời gian tới, nhất là những khó khăn, thách thức nội tại của kinh tế - xã hội TP HCM.

Đặc biệt, đồng chí đề nghị các đại biểu cho ý kiến đóng góp, bổ sung, hoàn thiện 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của quý II năm 2022 mà Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM đã đề xuất. Đặc biệt, xác định những giải pháp mang tính đột phá và có hướng ưu tiên nhằm tạo xung lực mới, bảo đảm cho kinh tế - xã hội thành phố phục hồi nhanh, toàn diện, tạo cơ sở vững chắc để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 từ 6 - 6,5%. Đồng thời tìm kiếm giải pháp có ý nghĩa then chốt nhằm bảo đảm cho TP HCM phát triển nhanh và bền vững, tạo cơ sở nền tảng để hoàn thành các mục tiêu của chặng đường 2021 - 2025.

Hoạt động kinh tế Đảng bộc lộ những bất cập

Về Đề án tổ chức sắp xếp, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế Đảng của Đảng bộ TP HCM giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, Bí thư Thành ủy TP HCM đánh giá, hoạt động kinh tế Đảng thời gian qua có vai trò quan trọng, góp phần hỗ trợ và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ TP HCM. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động kinh tế Đảng vừa qua bộc lộ những bất cập cần được đánh giá đúng.

"Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta có cơ chế quản lý năng lực cạnh tranh hiệu quả kinh doanh vào hoạt động đầu tư vốn, nhưng doanh nghiệp kinh tế Đảng vẫn có một số mặt hạn chế", ông nói và cho biết Đảng bộ TP HCM sẽ xem xét, cho ý kiến về đề án tổ chức, sắp xếp, cơ cấu lại hoạt động kinh tế của Đảng bộ thành phố giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030.

Bí thư Thành ủy TP HCM cũng đặt vấn đề: Việc quản lý, khai thác và cho thuê đất với mục đích sản xuất, kinh doanh có còn phù hợp pháp luật mới; biện pháp khắc phục với một số sai phạm trong hoạt động kinh tế Đảng...

Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị Đảng bộ TP HCM thống nhất quan điểm định hướng, nhất là nhận định, đánh giá để chuyển đổi mô hình, đưa ra giải pháp phù hợp pháp luật trong tình hình mới, sao cho thực hiện đúng vai trò, chức năng quản lý, mang lại hiệu quả mà vẫn khắc phục tối đa các hạn chế, rủi ro từng gặp.

Vì vậy, Hội nghị cần tập trung cho ý kiến về quan điểm cơ cấu lại và đổi mới hoạt động kinh tế Đảng theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tập trung đầu tư trên các lĩnh vực có rủi ro thấp, nguồn thu ổn định, bảo đảm bảo toàn và phát triển vốn của Đảng bộ TP HCM; không đầu tư các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, trừ hoạt động đầu tư, khai thác cho thuê tài sản nhà đất thuộc sở hữu của Đảng bộ TP HCM để hạn chế tối đa lãng phí.

Ngoài ra, thành phố cần cơ cấu lại vốn theo các tiêu chí định hướng cổ phần hoá, thoái vốn; không cổ phần hoá hoặc cổ phần hoá nhưng vẫn nắm giữ cổ phần chi phối, hạn chế tối đa đầu tư hoặc thoái toàn bộ vốn đầu tư trên lĩnh vực ngân hàng, bất động sản; chuyển giao các cơ sở nhà đất có mục đích sản xuất, kinh doanh của Đảng, thành phố cho công ty mẹ trực tiếp đứng tên nhằm đảm bảo tính pháp lý và quản lý đầu tư, khai thác có hiệu quả.

Dự thảo đề án cũng kiến nghị thành lập một tổng công ty quản lý vốn Thành ủy, gọi là công ty mẹ - công ty TNHH MTV do Đảng bộ thành phố nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Đọc thêm