Chương trình có tiêu đề "Lắng Nghe Thế Giới - Chăm Sóc Thính Lực Đúng Cách", với sự đồng hành của Đại Sứ Lắng Nghe - Nghệ Sỹ Viola Quốc Tế Nguyệt Thu
Phát biểu tại chương trình, ông Đặng Văn Thanh, Phó chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cho biết, hiện ở Việt Nam có gần 8 triệu người khuyết tật, trong đó có hơn 800.000 trẻ em khuyết tật với gần 40.000 trẻ em khiếm thính.
Ông Thanh nhấn mạnh, những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em khuyết tật. Sự quan tâm đó được thể hiện qua việc Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ người khuyết tật.
Cụ thể, Việt Nam là một trong các quốc gia đầu tiên tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em (năm 1990). Sau 1 năm, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 1991 và đến năm 2016 sửa đổi thành Luật Trẻ em. Năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật Người khuyết tật. Năm 2014, Quốc hội cũng đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030.
Rất đông trẻ khiếm thính cùng phụ huynh tham gia chương trình (ảnh; Thanh Thanh) |
“Chính vì vậy, người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng đã được quan tâm chăm sóc và bảo vệ, cuộc sống của trẻ em khuyết tật đã dần được cải thiện…”, Phó chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, hiện vẫn còn số lượng không ít trẻ khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt các trẻ ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Trong thời gian tới rất cần sự quan tâm của cộng đồng, xã hội, đặc biệt là các tổ chức người khuyết tật và vì người khuyết tật.
“Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đánh giá rất cao Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam trong những năm qua có nhiều chương trình chăm sóc, tư vấn các phụ huynh của trẻ khiếm thính có kỹ năng chăm sóc con, đặc biệt là các chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho trẻ khiếm thính…”, ông Thanh nói.
Ông Đặng Văn Thanh, Phó chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Thanh Thanh) |
Tại sự kiện Nghệ Sỹ Viola Quốc Tế Nguyệt Thu đã xúc động chia sẻ cơ duyên để trở thành Đại sứ Lắng nghe của những người khiếm thính. Nghệ sỹ Nguyệt Thu có con trai bị tự kỷ và chị thấu hiểu nỗi niềm của những gia đình có con bị khuyết tật. Chị liên tục về Việt Nam vì các hoạt động thiện nguyện.
Đấu giá bức tranh “Dòng âm thanh” do trẻ khiếm thính tỉnh Yên Bái vẽ. (Ảnh: Thanh Thanh) |
Tại chương trình đã diễn ra các hoạt động như: Trình diễn Bộ sưu tập áo dài Hơi thở mùa xuân do chính các bạn khiếm thính thực hiện; Đấu giá tranh gây quỹ Hành trình âm thanh 2024; Triển lãm tranh do trẻ khiếm thính vẽ; Trải nghiệm làm sản phẩm thủ công từ vỏ mì tôm cùng trẻ khiếm thính; Tìm hiểu về chăm sóc thính giác đúng cách…
Sản phẩm được làm từ bao bì mỳ tôm của trẻ khiếm thính (Ảnh: Thanh Thanh) |
Tiến sĩ Shelly Chadha, cán bộ kỹ thuật của WHO nói, "một khi đã mất thính giác thì nó sẽ không quay trở lại”. Mất thính giác không được điều trị có thể dẫn đến sự cô lập và có liên quan đến trầm cảm, lo lắng, lòng tự trọng thấp, mất trí nhớ, giảm khả năng vận động...
Nguyên nhân gây ra nghe kém có thể do di truyền, biến chứng lúc sinh, các bệnh nhiễm trùng bất kỳ, viêm tai mạn tính, do sử dụng thuốc, tiếp xúc tiếng ồn, và do tuổi tác. 60% nghe kém lúc nhỏ do các nguyên nhân có thể phòng tránh được. 1,1 tỉ người trẻ 12-35 tuổi có nguy cơ nghe kém do tiếp xúc tiếng ồn từ các thiết bị tiêu khiển.