Học 10 năm để làm nghề "tính mạng "treo" trước tử thần”

Những tiếng nổ trong vụ tai nạn cháy nổ đạo cụ khói lửa làm phim trong đêm 24/2 dứt trong vài phút, nhưng dư âm trong giới làm phim và công chúng chưa biết khi nào mới tắt. Ít người biết rằng phía sau những cảnh quay cháy nổ hoành tráng, là mồ hôi nước mắt, tính mạng của những người làm nghề.

Những tiếng nổ trong vụ tai nạn cháy nổ đạo cụ khói lửa làm phim trong đêm 24/2 dứt trong vài phút, nhưng dư âm trong giới làm phim và công chúng chưa biết khi nào mới tắt. Ít người biết rằng phía sau những cảnh quay cháy nổ hoành tráng, là mồ hôi nước mắt, tính mạng của những người làm nghề.

Để có những cảnh quay như thế này, tính mạng của những người phụ trách khói lửa trong đoàn phim luôn treo trên sợi tóc
Để có những cảnh quay như thế này, tính mạng của những người phụ trách khói lửa trong đoàn phim luôn "treo trên sợi tóc".

“Có tiếng, không có miếng”

Một số chuyên gia kỳ cựu cho biết, tạo hiệu ứng khói lửa phim trường là một nghề quá nguy hiểm và trước kia không mấy được trọng dụng trong các hãng phim Nhà nước.

Đồng lương không đủ sống, nhiều người bỏ theo nghề khác, một số rất ít người vẫn làm nghề chủ yếu vì lòng đam mê và thích khám phá về thuốc nổ. Nhiều chuyên gia khói lửa từng được đào tạo bài bản trước kia đã không thể theo nghề, họ thường nói vui với nhau: “Nay toàn làm phim về tình yêu thì cần gì đến mấy ông khói lửa nữa. Đúng là cái nghề “có tiếng mà không có miếng”, hiểu theo đúng nghĩa đen là tạo ra tiếng nổ rất hoành tráng, mà miếng ăn thì… bé xíu”.

Từ mấy năm trở lại đây, dòng phim hành động do các hãng phim tư nhân đứng ra sản xuất bỗng nở rộ, đặc biệt thịnh hành ở khu vực phía Nam với nhiều cảnh sử dụng súng đạn, cháy nổ. Nghề khói lửa có thêm đất sống. Tuy vậy, phần đông người làm đều do tự mày mò học hỏi và tự rút kinh nghiệm qua mỗi lần “kích nổ”.

Một bộ phận lớn những người làm khói lửa ở phía Bắc được huy động Nam tiến để phục vụ việc làm khói lửa cho những bộ phim kể trên. Ông Nguyễn Quang Với (70 tuổi, ngụ đường La Thành, Hà Nội, nguyên Trưởng Ban khói lửa, Hãng phim truyện Việt Nam), người đã qua 40 năm trong nghề cho biết: Rất nhiều lần tôi được mời vào Nam để cộng tác làm phim cho các hãng tư nhân. Thù lao rất hậu hĩnh, có thể gấp vài lần so với làm phim ở ngoài Bắc nhưng tôi đều từ chối do đã có tuổi, “mắt mờ chân chậm”. Những học trò của tôi đã “Nam tiến” kể lại nhiều khi các đoàn phim làm việc theo kiểu “bất cần”.

“Sợ lắm vì họ làm ẩu, lúc nào cũng muốn nhanh, trong khi các chuyên gia khói lửa làm, đoàn làm phim cứ giục ầm ầm. Nghề này lại đặc biệt ở chỗ là không bao giờ được giục giã. Chính vì ẩu, làm lúc nào cũng muốn nhanh nên trong những cảnh cháy nổ mà có người bị thương là chuyện bình thường. Có điều những tai nạn đó chưa phải quá nghiêm trọng nên chưa được mọi người biết tới thôi”.

Vị chuyên gia phân tích thêm: “Nhiều người làm về khói lửa nhưng lại không được học bài bản, cứ tưởng cho nổ một phát, rồi bắn mấy phát là xong, nhưng hậu quả thì khôn lường. Một nghìn lần làm suôn sẻ, chỉ cần sơ xảy một lần là “lĩnh đủ” và không có cơ hội để làm lại".

“Sinh nghề tử nghiệp” do không chuyên?

Sau vụ nổ tại nhà riêng của ông Lê Minh Phương làm 11 người thiệt mạng, cơ quan điều tra vào cuộc, bước đầu cho rằng ông Phương đã mang rất nhiều thuốc nổ về nhà để pha chế phục vụ cho những cảnh trong bộ phim “Hồn Đá” đang được quay tại Vũng Tàu.

ông Nguyễn Quang Với
Ông Nguyễn Quang Với.

Ông Phương được xem là một bậc thầy về khói lửa trên phim trường khu vực phía Nam với nhiều bộ phim nổi tiếng như “Bẫy rồng” hay “Áo lụa Hà Đông”...

Vụ nổ kinh hoàng xảy ra lúc 0h30 ngày 24/2 làm sập hoàn toàn 3 căn nhà số 384/7A, 384/7 và 384/9 có diện tích hơn 270m2 tại hẻm 384, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 8, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh).

Vụ nổ đã làm 11 người tử vong tại chỗ, 2 người bị thương, trong đó có 6 người trong gia đình ông Phương.

Trong các căn nhà bị nổ, căn nhà số 384/9 được ngăn làm đôi và ông Lê Minh Phương (SN 1955, tức Phương “khói lửa”) thuê ở giữa, làm nơi chứa đạo cụ phim, và cũng là nơi trú ngụ của cả gia đình từ hai tháng nay.

Ông Phương là chuyên gia tạo hiệu ứng cháy, khói lửa cho phim, giám đốc Công ty CP công nghệ giải trí Lạc Việt.

Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án để làm rõ những vấn đề liên quan.

Phần lớn các đạo diễn đều tìm đến ông khi có những cảnh cháy nổ khó. Những người từng làm việc với Phương “khói lửa” đều nhận xét, ông là một người đam mê, chịu khó lăn xả với nghề và còn có cả chục năm kinh nghiệm “dắt lưng”.

Nhưng vấn đề ông Phương có được đào tạo bài bản hay không có lẽ sẽ không được đề cập tới nếu không có tai nạn vừa xảy ra.

Nói về vấn đề này, ông Với chia sẻ: Từ trước tới nay ở Việt Nam chưa có một trường lớp nào được mở ra để đào tạo chuyên về nghề này, phần đa đều tự học và tự rút kinh nghiệm qua những lần làm thực tế. Những tai nạn nghiêm trọng xảy ra do cách làm không chuyên là điều không thể tránh khỏi.

Vị chuyên gia nhớ lại, việc chọn những người chuyên làm việc về khói lửa ở các hãng phim trước đây rất gắt gao. Thời đó, muốn được tuyển thì người dự tuyển trước tiên phải là Đảng viên, từng có thời gian làm việc trong quân ngũ.

Khi được tuyển vào Hãng phim truyện Việt Nam, ông Với được các chuyên gia về thuốc nổ, đạn dược của Liên Xô sang đào tạo trong vòng 5 năm. Sau khi học xong, học viên được đi thực tập theo các đoàn làm phim thêm 5 năm nữa, rồi mới được giao phim để làm.

“Cẩn trọng như vậy nhưng khi làm vẫn xảy ra một số sự cố ngoài ý muốn do điều kiện khách quan”, ông nhớ lại.

Đó là chưa kể chuyện làm nghề nguy hiểm này còn phải biết tính toán: Tính độ văng của vật khi bị nổ, tính chiều gió… Chỉ cần tính không chuẩn một những điều trên, khả năng dẫn đến sát thương cho người tham gia vào cảnh quay rất dễ xảy ra.

Vì thế kinh nghiệm trong nghề nhiều khi là chưa đủ, rất cần phải được đào tạo một cách bài bản. Một nguyên tắc cơ bản trong nghề là không bao giờ được phép mang thuốc nổ về nhà riêng hoặc đến khu dân cư để pha chế, vì các loại thuốc nổ rất dễ tương tác với nhau gây nổ. Nếu trong trường hợp bất khả kháng thì phải để riêng từng loại cách xa nhau và khóa lại để tránh cho những người không liên quan tiếp xúc.

“Trường hợp anh Phương, tôi nghĩ anh ấy làm nghề chỉ là do tự học và thích thú với cái nghề này nên mới để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vậy. Nếu với số lượng thuốc nổ là vài kg thì sức công phá của nó chỉ có thể đánh sập được một ngôi nhà là cùng. Trong trường hợp vụ nổ phá cả 3 ngôi nhà như vậy, tôi nghĩ tại nhà của anh Phương có thể chứa tới hàng chục kg thuốc nổ, trong đó có những loại đặc biệt tương tác mạnh với nhau, hoặc anh Phương pha chế thuốc nổ ngay tại nhà”, ông Với nói.

Vụ nổ diễn ra tại nhà riêng của ông Phương “khói lửa” đã khiến cả giới làm phim và công chúng giật mình đau xót. Để có những bộ phim hay, những người làm phim không chỉ phải tốn mồ hôi nước mắt, mà đôi khi còn phải đổi bằng chính sinh mạng của mình. Nhưng liệu có nên chấp nhận đó chỉ là “sinh nghề tử nghiệp” khi những nguy hiểm đã được cảnh báo trước?.

Đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh buộc những người có trách nhiệm cần phải nhanh chóng xem xét lại quy trình cũng như cách quản lý để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc như trên.

Còn trong hoàn cảnh hiện tại, theo ông Với, người làm cháy nổ nếu muốn chấp nhận theo nghề đành phải tự bảo vệ mình và mọi người bằng cách hiểu biết sâu sắc về công việc, đặc biệt cẩn thận và phải luôn “có tâm” với việc mình làm.

Hà Thành