Học sinh cá biệt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cô giáo suy nghĩ rất nhiều trước khi bấm vào nút Enter để đăng tải bài viết. Trước đến nay, cô chưa bao giờ viết một câu chuyện cá nhân lên mạng xã hội. Cô thường nghĩ, mạng chỉ là để theo dõi thông tin, chia sẻ chuyện cây cỏ, trò chuyện dăm ba câu với đồng nghiệp, học trò.
Học sinh cá biệt

Thế mà giờ, vì một sự đặc biệt, cô phải phá vỡ nguyên tắc của mình suốt bao năm.

52 tuổi, cả nửa đời người gắn với việc dạy học cấp 2, cô không nhớ mình đã dạy bao nhiêu em nhỏ nữa. Có em cô quên mặt, quên tên. Có em cô nhớ, rất nhớ. Đó là những học sinh giỏi, hoặc học sinh thực sự cá biệt. Cả hai, cô đều thương như nhau.

Em học sinh này là một đứa cá biệt một cách đặc biệt. Em từng là một học sinh rất ngoan, rất giỏi, từng được đại diện lớp đi thi học sinh giỏi toán năm em học lớp 7. Thế mà, lên đến lớp 8 em lại học hành sa sút, theo bạn bè phá phách, làm đủ chuyện khiến thầy cô buồn phiền, bạn bè xa lánh. Cô đã tìm cách trò chuyện với em nhiều lần nhưng không thành công.

Rồi cô cố công liên lạc với bạn thân em, gia đình, người thân, câu chuyện mới dần hé lộ. Hóa ra, gia đình em đang êm ấm, thì cha em ngoại tình với người phụ nữ khác, thay tính đổi nết. Ông không còn chăm sóc gia đình nữa, vơ vét hết tiền bạc cung phụng cho người tình mới, còn trở về đánh đập vợ con. Mẹ em cũng bỏ bê con cái, suốt ngày chạy theo đánh ghen cha em. Một gia đình khá giả, hạnh phúc bỗng chốc rơi vào vực thẳm. Em học trò nổi loạn, chống đối bằng cách bỏ bê việc học, ngông nghênh bất cần đời.

Cô cũng không biết mình đã bỏ biết bao kiên trì nhẫn nại, bao tình thương cho em học trò để dần dần em cởi mở, tin tưởng và tâm sự mọi chuyện với cô. Rồi, em vì nghe cô, thương cô mà từ bỏ đám bạn xấu, quay trở lại việc học. Chính cô đã đi nhờ các bạn học sinh trong lớp kèm cặp để em lấy lại kiến thức đã mất, nhờ các thầy cô giáo kiên nhẫn và độ lượng hơn với em.

Suốt ba tháng trời, để rồi, em được kết quả xuất sắc, đứng đầu lớp, và lại có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi toán toàn thành phố. Em bảo với cô, em sẽ cố gắng để không phụ tình thương yêu của cô dành cho em. Em sẽ học đại học, sẽ tìm kiếm suất học bổng du học nước ngoài, sẽ trở thành một công dân có ích cho đất nước, cho xã hội.

Thế mà sau một mùa hè, dường như mọi nỗ lực của cô đã bị đánh mất hết, cùng với bi kịch gia đình em. Cha mẹ em, trong một trận cãi cọ, đánh ghen nhau ngoài đường, đã xô đẩy nhau và bị tai nạn giao thông qua đời. Cha em, làm ăn thua lỗ do lấy tiền cung phụng nhân tình, lúc hai vợ chồng mất đi, của cải, tài sản cũng bị tịch biên. Thế là em và em gái nhỏ phải dắt nhau về nhà ngoài ở.

Bà ngoại em 70 tuổi, không còn sức lao động, chỉ nhờ lương hưu vài triệu một tháng, nuôi được ba bà cháu ăn đã khó, nói gì đến chuyện học hành. Thế nên, em học sinh quyết định nghỉ học, bươn chải ra cuộc đời kiếm tiền nuôi em gái đi học.

Cô biết chuyện đã khóc hết nước mắt. Cô giáo khóc cho những ước mơ lớn lao mà em học trò rất đỗi thông minh đã ấp ủ. Cô tiếc cho một tương lai bị bẻ gẫy bởi sự vô tri của người lớn, vì sự khắc nghiệt của số phận. Cô tiếc cho bao nỗ lực của mình để đưa em trở lại con đường tươi sáng.

Sau bao đêm mất ngủ, cô quyết định phá lệ “không đăng chuyện riêng lên mạng xã hội”. Cô kể lại câu chuyện của em trên một nhóm riêng cho học sinh cũ - mới của trường. Cô mong rằng, có một điều thần kì nào đó sẽ giúp em học sinh vượt qua khó khăn này, được đi học trở lại.

Ba ngày sau, cô bỗng nhận được một cuộc điện thoại có dãy số rất lạ. Cô ngần ngừ nhớ các cảnh báo về lừa đảo, nhưng không hiểu sao cô vẫn bắt máy. Người ở đầu dây bên kia xưng là Lâm, học trò cũ của cô. Và qua vài lời chuyện trò, cô đã nhớ ra Lâm.

Em ấy cũng là một học trò “đặc biệt”, thông minh nhưng lười học và rất “quậy”. Lâm bảo, cậu được bạn cùng lớp cũ kể về những lời cô viết trên mạng xã hội. Cậu liên lạc để hỏi cô cụ thể sự việc nhằm giúp đỡ em học sinh ấy.

Hóa ra, Lâm đã du học Úc, rồi trở thành giám đốc một công ty phần mềm ăn nên làm ra của Úc. Sau cuộc trò chuyện, Lâm đã quyết định đài thọ phần học bổng hàng năm cho hai anh em cậu học sinh của cô. Phần học bổng ấy còn kèm thêm một khoản sinh hoạt phí hàng tháng để hai anh em có thể sinh sống ổn định cho đến ngày em học sinh ra trường.

Cô giáo ngỡ ngàng vì kết quả này còn hơn cả sự mong đợi của cô rất nhiều. Lâm còn bảo, cậu và các bạn học cùng lớp do cô chủ nhiệm năm xưa đã quyết định lập ra một quỹ học bổng để giúp các em học sinh nghèo vì điều kiện gia đình phải bỏ học có thể đến trường trở lại. Lâm bảo, nếu trong quá trình dạy, cô phát hiện em nào có hoàn cảnh như thế cứ liên hệ trực tiếp với Lâm.

Lòng cô cảm động vô cùng, cô cảm ơn Lâm vì tấm lòng tốt vô biên, cô tự hào vì Lâm, cậu học sinh cũ của cô. Nhưng Lâm nói rằng, Lâm làm như vậy, một phần vì Lâm muốn trả ơn cô giáo.

“Có thể cô đã quên những gì cô từng giúp em, nhưng em thì mãi mãi không quên. Năm ấy, cả trường, cả các thầy cô và bạn bè gọi em là học sinh cá biệt. Riêng cô từng nói với em, em không cá biệt, em là một học sinh đặc biệt. Chỉ vì em chưa tìm ra được điều gì mình thực sự thích, chứ nếu tìm được, em sẽ đi đúng hướng, sẽ thành công.

Vì những lời nói ấy của cô, em đã cố gắng tìm ra điều mình yêu thích. Em đã nỗ lực để đeo đuổi ước mơ và em đã thực sự thành công. Suốt bao năm, em chỉ chờ có một ngày, có được cơ hội để có thể đường hoàng nói lời cảm ơn đến cô. Và đây chính là cơ hội ấy. Em rất hạnh phúc và tự hào vì cô, cô giáo cũ của em, người vẫn miệt mài tìm kiếm ra điều “đặc biệt” của những học sinh cá biệt, để yêu thương, nâng đỡ, vực dậy các em...”.

Lời Lâm nói qua điện thoại như vọng về từ nơi xa xôi lắm mà lại rất gần. Cô giáo chợt thấy nước mắt rơi nóng bỏng trên gò má.

Đọc thêm