Tham dự chương trình có ông Nguyễn Trường Thiệp, phó GĐ Học Viện Tư Pháp, bà Phạm Thị Kiều Loan, cán bộ phụ trách Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, chuyên gia tham gia xây dựng chương trình và giảng dạy khoá tập huấn; LS. Chu Mạnh Cường, trưởng văn phòng Luật sư Danh chính; LS. Lưu Văn Tám, phó chủ nhiệm đoàn LS tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; TS. Lê Thị Thuý Nga, trưởng khoa Đào tạo chung (ĐTC) nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; TS. Ngô Thị Ngọc Vân, phó trưởng khoa (ĐTC) nguồn TP, KSV, LS, (HVTP) và các luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. HCM, Đoàn Luật sư Bà Rịa Vũng Tàu, Đoàn Luật sư Đồng Nai…
Tại chương trình tập huấn, các chuyên gia đã phổ biến về tội phạm về ma túy là loại tội phạm có tính chất nguy hiểm cao cho xã hội, không những gây ra thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, xã hội, công dân mà còn làm băng hoại đạo đức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người cũng như ảnh hưởng tới việc phát triển giống nòi, gây mất trật tự an toàn xã hội. Ma túy là một chất gây nghiện có tác hại nguy hiểm cho xã hội cho nên chính sách hình sự và hình phạt đối với các tội phạm về ma túy thường rất nghiêm khắc.
Phát biểu tại buổi khai mạc khoá tập huấn, bà Phạm Thị Kiều Loan, cán bộ phụ trách Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, quyền được xét xử công bằng là quyền cơ bản của con người đã được quy định trong công ước quốc tế về dân sự, chính trị (ICCPR ) mà Việt Nam đã gia nhập vào năm 1982. Quyền này quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Quyền được bào chữa và quyền bình đẳng trước pháp luật trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dẫn đến hình phạt tử hình thì Luật sư tham gia bào chữa đóng một vai trò quan trọng để bảo đảm quyền được xét xử công bằng được tôn trọng… Chính vì vậy, những kiến thức về khoá tập huấn này sẽ giúp ích cho quý Luật sư trong việc bào chữa và quyền được xét xử công bằng cho cáo bị cáo.
Hình phạt áp dụng trong nhóm tội phạm về ma túy không có hình phạt cảnh cáo hay cải tạo không giam giữ mà chủ yếu là hình phạt tù, cũng như, khi áp dụng hình phạt tù, rất ít vụ án mà Tòa án áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo. Trong một số vụ án lớn về ma túy liên quan đến đường dây, tổ chức thì số lượng bị can, bị cáo rất đông và nhiều người bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình.
Bởi vậy, quá trình tố tụng, đặc biệt là phiên tòa xét xử thường diễn ra trong nhiều ngày và việc xét hỏi, tranh luận vừa phức tạp vừa cần nhiều thời gian. Ngoài ra, nhiều vụ án, ngoài tội danh liên quan đến tội về ma túy còn đan xen nhiều tội danh khác như giết người, cố ý gây thương tích, tội tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng, rửa tiền….
Các vụ án liên quan tới ma túy thường có nhiều tình tiết phức tạp; nguồn chứng cứ ngoài các biên bản bắt quả tang (nếu có), biên bản thu giữ vật chứng là ma túy, kết luận giám định… thì chủ yếu là các lời khai của các bị can, bị cáo, người làm chứng, việc sử dụng lời khai của các đối tượng trong chứng minh tội phạm của vụ án ma túy cần thận trọng, tỉ mỉ, đầy đủ và toàn diện.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo quyền bào chữa cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị buộc tội về tội phạm ma tuý cũng rất cần thiết. Bởi lẽ, quyền bào chữa là một trong những quyền quan trọng của công dân khi tham gia tố tụng và luôn được đề cập trong các đạo luật của mỗi quốc gia.
Theo bà Loan, ở Việt Nam, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa là nguyên tắc Hiến định, đồng thời là nguyên tắc đặc thù của tố tụng hình sự. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật TTHS. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự nói chung, vụ án về ma túy nói riêng, luật sư bào chữa luôn giữ một vai trò quan trọng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, giúp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án giải quyết vụ án khách quan, toàn diện và chính xác.
Với đặc điểm của loại vụ án như vậy, để có thể bào chữa hiệu quả cho bị can, bị cáo đòi hỏi luật sư không chỉ cần nắm vững các quy định pháp luật liên quan mà còn cần có những kỹ năng chuyên biệt và quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Ngoài ra, Luật sư cũng cần có kiến thức về những văn kiện quốc tế có liên quan và các khuyến nghị có liên quan đối với Việt Nam, vấn đề hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với một số quốc gia, tổ chức quốc tế và khu vực trong đấu tranh, phòng chống tội phạm ma tuý; điều tra và xét xử tội phạm về ma tuý; cập nhật thông tin về những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, đề xuất những vấn đề cần tương trợ tư pháp khi vụ án ma tuý có yếu tố nước ngoài...
Đây là chương trình tập huấn bổ ích dành cho các luật sư và giảng viên giảng dạy nghề luật sư trao đổi, học hỏi những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết khi tham gia bào chữa trong vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng về ma túy, trong khuôn khổ hợp tác với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, qua khóa tập huấn về “Kỹ năng của luật sư khi tham gia bào chữa trong vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng về ma túy” các luật sư đang hành nghề tại thành phố TPHCM và các tỉnh phía Nam đã được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng mềm bổ ích phục vụ cho công việc hiện tại và tương lai, thông qua kinh nghiệm và kiến thức được các giảng viên, luật sư nhiều kinh nghiệm tryền đạt trong hai ngày 23 và 24 tháng 8.
Một số hình ảnh của chương trình tập huấn: