Hoen ố hình ảnh nghệ sĩ vì quảng cáo sai sự thật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tận dụng sự nổi tiếng của mình, những năm gần đây, không ít các nghệ sĩ, sao Việt đã xuất hiện dày đặc trên Facebook, YouTube, Twitter, Instagram để quảng cáo các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm, tiền ảo… mà không bị bất kỳ sự kiểm duyệt nào và các sản phẩm đó cũng không được kiểm chứng về chất lượng của các cơ quan chức năng. 
Một nghệ sĩ quảng cáo viên sủi trên mạng xã hội.
Một nghệ sĩ quảng cáo viên sủi trên mạng xã hội.

Tất cả những điều này khiến khán giả thất vọng vì “tiền mất, tật mang”, hình ảnh nghệ sĩ bị hoen ố vì sự gian dối, bất chấp hậu quả…

Người tiêu dùng “tiền mất, tật mang” 

Gần đây, một số nghệ sĩ có tiếng như H.Vân, V.Hương, V.Dung, C.Trung, Q.Khánh, Đ.Trường, Q.Linh, K.T Long… được nhiều doanh nghiệp “ưu ái” mời quảng cáo sản phẩm. Để tăng độ tin cậy, nhiều nghệ sĩ còn tương tác, sử dụng sản phẩm khi livestream. Điều đáng nói, không ít trường hợp đã thổi phồng quá lố công dụng sản phẩm dẫn đến vi phạm quy định của pháp luật.

Theo đó, tại kênh Youtube “Shioka - Dứt điểm U xơ - U nang” đăng tải video diễn viên T.Hương chia sẻ về Shioka; diễn viên V.Dung cảm ơn Shioka đăng tải vào tháng 1/2021; kênh Youtube “Viên Sủi Tiêu U SHIOKA” đăng tải video nghệ sĩ H.Vân chia sẻ về viên sủi Shioka đăng tải tháng 10/2020; tại fanpage Facebook “Shioka – đặc trị u nang, u xơ tử cung” có đăng tải một video với nội dung chia sẻ của NSND H.V, kèm theo dòng chữ: “Sạch u xơ, u nang, u vú… công nghệ Nhật nhanh gấp 50 lần không mổ”... 

Nhiều khán giả yêu thích các nữ diễn viên này đã đi mua sản phẩm và “tá hỏa” khi biết mình bị… lừa. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có kết luận rằng thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shioka mà một số trang mạng và clip đang quảng cáo, có nội dung vi phạm, nói không đúng về công dụng của sản phẩm. Cục An toàn thực phẩm cảnh báo để người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Shioka với những công dụng quảng cáo không đúng sự thật và vi phạm trên các trang mạng nêu trên.

Ngoài sản phẩm trên, một số nghệ sĩ khác cũng tham gia quảng cáo thực phẩm chữa ung thư dạ dày, u nang, viêm họng, làm trắng da… Nghệ sĩ T.Dân dựng lên câu chuyện “không có thật” là đi khám ở bệnh viện và được chẩn đoán bị viêm gan nặng. Sau đó ông này đã tìm thấy “Viên sủi hỗ trợ điều trị viêm gan, có tên là Glycofast, thành phần chính là cà gai leo”. Cuối cùng nghệ sĩ này thừa nhận quảng cáo không trung thực khi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chứng minh giấy xét nghiệm nghệ sĩ T.Dân sử dụng trong clip quảng cáo là giả, không có bệnh nhân nào tên N.T.Dân đến khám ở bệnh viện. 

Một số “sao” hiện nay đang quảng cáo rầm rồ tiền ảo. Trên các trang cá nhân của một số nghệ sĩ như N.Trinh, K.M.Tuấn, K.Như, N.Thư, L.D.B.Lâm, T.Hương... đăng bài viết nhắc đến nhiều đồng tiền mã hóa, tuy nhiên có một loại tiền ảo được nhắc đến với dụng ý quảng cáo. Đó chính là FXT Token. Loại tiền ảo này được cho là liên quan tới dự án tiền ảo đa cấp Lion, có dấu hiệu lừa đảo, đã bị cảnh báo có yếu tố đa cấp lừa đảo, chỉ có thể niêm yết trên các sàn nhỏ và bị xem là “coin rác”.

Dù bị nhiều phản ứng từ khán giả lẫn giới đầu tư tiền mã hóa nhưng một số nghệ sĩ trên vẫn không lên tiếng đính chính, giải thích. Ảnh chụp bài đăng đã bị xóa khỏi trang cá nhân của các nghệ sĩ vẫn được cộng đồng tham gia FXT Token chia sẻ rầm rộ với các bình luận như: “Đến N.Trinh, K.M. Tuấn, K.Như... còn tham gia thì các bạn chần chừ gì?”. Và kết quả là có một số người đã tin sự tham gia của “sao” để đầu tư tiền ảo đến nỗi bại sản.

Tiếp tay cho gian dối

Mặc dù quảng cáo sai sự thật nhưng khi bị phát hiện vẫn ít nghệ sĩ lên tiếng xin lỗi công chúng. Họ xóa bài viết, coi như không có chuyện gì xảy ra. 

Trước thực trạng này, ngày 20/5/2021, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM gửi công văn đến các hội văn học nghệ thuật trên địa bàn TP về việc một số nghệ sĩ tham gia quảng cáo trên mạng xã hội. Công văn cũng lưu ý các văn nghệ sĩ tuyệt đối không tham gia quảng cáo các sản phẩm chưa được phép lưu hành, hay sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ không đúng với chất lượng sản phẩm gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Ngày 21/5/2021, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 338/VHCS-QCTT về việc “Kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe”.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Dương Trọng Dật - Viện trưởng Viện Đào tạo văn hóa - nghệ thuật - truyền thông, Trường Đại học Văn Lang cho biết, quảng cáo là một trong những hoạt động ngoài chuyên môn của văn nghệ sĩ. Nhiều thương hiệu gắn liền với tên tuổi nghệ sĩ và tạo ra hiệu ứng đặc biệt. Tuy nhiên, từ khi có mạng xã hội, nhiều nghệ sĩ đã lạm dụng danh tiếng của mình, thậm chí quá coi trọng lợi ích mà bất chấp tất cả để quảng cáo những mặt hàng kém chất lượng, hàng gian, hàng giả. “Hành động này đã tiếp tay cho thói làm ăn gian dối, cho tội ác, gây nhiễu loạn nền kinh tế và phá hoại trật tự xã hội”, ông Dật nói.

Nhiều khán giả cho rằng, cần xem xét, bổ sung các quy định để ràng buộc những cá nhân, nghệ sĩ khi xuất hiện trong các clip quảng cáo phải có trách nhiệm hơn với phát ngôn của mình. Nghệ sĩ phát ngôn quảng cáo cho sản phẩm bất hợp pháp, phát ngôn sai công dụng điều trị của sản phẩm phải bị xử lý nghiêm khắc vì đưa tin sai sự thật. “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, cái giá phải trả cho việc dùng hình ảnh và sự nổi tiếng để quảng cáo thiếu trách nhiệm có thể không chỉ bị xử phạt theo pháp luật mà còn bị khán giả tẩy chay.

Đọc thêm