Hội Cựu chiến binh - 'Cầu nối' chuyển tải vốn chính sách

(PLVN) - Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện tốt các nội dung công việc ủy thác cho vay, làm cầu nối chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi tới các đối tượng chính sách, giúp người dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo.
Thượng tướng Phạm Hồng Hương nhấn mạnh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam luôn chủ động tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội.
Thượng tướng Phạm Hồng Hương nhấn mạnh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam luôn chủ động tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội.

Đẩy mạnh tuyên truyền về tín dụng chính sách

Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH thực hiện phương thức quản lý thông qua việc uỷ thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng cho 4 tổ chức chính trị - xã hội là: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Thượng tướng Phạm Hồng Hương - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Quản trị NHCSXH cho biết, là một trong 4 tổ chức hội, đoàn thể làm công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư được ban hành, Đảng đoàn Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chi nhánh, phòng giao dịch NHCSXH các cấp; Cấp ủy, chính quyền địa phương lồng ghép trong các chương trình hoạt động của Hội để quán triệt, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội...

Tính đến 30/06/2023, vốn vay tín dụng ưu đãi NHCSXH ủy thác qua Hội Cựu chiến binh Việt Nam tăng 32.429.785 triệu đồng so với năm 2014 (sau khi có Chỉ thị 40). Tổng dư nợ ủy thác do Hội Cựu chiến binh Việt Nam quản lý là 52.190.297 triệu đồng, với 1.139.903 hộ vay, thuộc 30.101 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nợ quá hạn là 0,18% (giảm 0,22% so với năm 2014), nợ khoanh 0,54%... Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh do hội viên cựu chiến binh làm chủ, hoạt động có hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân cựu chiến binh được củng cố, kiện toàn và phát triển, doanh thu hàng năm hàng ngàn tỷ đồng, thu hút hàng vạn lao động là cựu chiến binh, gia đình chính sách và con cháu cựu chiến binh.

Trong công tác phối hợp, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã chủ động, tích cực thực hiện vai trò tập trung lực lượng, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với công tác tín dụng chính sách xã hội; Phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chất lượng của Tổ tiết kiệm và vay vốn; Tập trung hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn theo quy định; Đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả,...

Tiếp tục nâng cao hiệu quả vốn vay ưu đãi

Nhiều mô hình sản xuất do cựu chiến binh làm chủ, hoạt động hiệu quả. (Nguồn: Internet)

Nhiều mô hình sản xuất do cựu chiến binh làm chủ, hoạt động hiệu quả. (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, Thượng tướng Phạm Hồng Hương thừa nhận rằng Hội Cựu chiến binh vẫn còn những thiếu sót, hạn chế trong việc tổ chức thực hiện như: Công tác tuyên truyền của một số cấp Hội chưa thường xuyên, hướng dẫn thực hiện một số nội dung được ủy thác còn hạn chế. Tại một số địa bàn, việc kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, Ban Quản lý Tổ và tổ viên chưa thật chặt chẽ. Việc kiểm tra sử dụng vốn của 100% món vay mới trong vòng 30 ngày kể từ ngày giải ngân có nơi chưa được thực hiện đầy đủ và đúng thời gian quy định.

Để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06- KL/TW trong thời gian tới, tích cực góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, Thượng tướng Phạm Hồng Hương cho rằng, Quốc hội cần xem xét nghiên cứu, luật hóa một số nội dung để điều chỉnh hoạt động NHCSXH trong Luật Các tổ chức tín dụng và các Luật liên quan, tạo khung pháp lý ổn định cho các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, có tính tới giai đoạn phát triển mới 2025 - 2030 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần có kế hoạch cụ thể để đồng bộ trong triển khai, phối hợp thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thêm vào đó, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, từng bước mở rộng thêm đối tượng vay vốn; điều hành lãi suất phù hợp; nâng mức vay một số chương trình tín dụng chính sách thiết yếu (nước sạch và vệ sinh môi trường...) phù hợp, nhằm thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần có những nghị quyết chuyên đề trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nhằm thực hiện tốt nhất đối với các hộ nghèo (trong đó có các hội viên cựu chiến binh), các đối tượng chính sách khác. Với các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp, cần ban hành chuẩn nghèo của địa phương để tạo điều kiện cho người dân tại địa phương có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trách nhiệm trong thực hiện các Chỉ thị, Kết luận của Ban Bí thư đối với tín dụng chính sách xã hội.

Đọc thêm