Tín dụng chính sách góp phần đổi thay phố núi Quy Đạt

(PLVN) -Thị trấn Quy Đạt là trung tâm huyện lỵ của huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần tích cực vào sự phát triển chung của phố núi với 11 chương trình tín dụng và trên 100 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư cho vay.
Phiên giao dịch giải ngân tại thị trấn Quy Đạt.
Phiên giao dịch giải ngân tại thị trấn Quy Đạt.

Thị trấn Quy Đạt có diện tích tự nhiên 15,27km2, với 2.350 hộ dân, có 8.696 nhân khẩu được phân bổ trên 9 tổ dân phố, ngành nghề chính của người dân nơi đây chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp; những năm trước đây đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm là một trong 62 huyện nghèo của cả nước thuộc chương trình hỗ trợ, đầu tư của Chính phủ.

Tuy nhiên, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực, quan tâm chỉ đạo công tác giảm nghèo, đặc biệt là lĩnh vực tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Cùng đồng hành với sự phát triển kinh tế, giảm nghèo, giải quyết việc làm và an sinh xã hội của địa phương, nguồn vốn tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội được triển khai đến nay đã trên 20 năm với các chương trình tín dụng ưu đãi được hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đồng thuận, ghi nhận và đánh giá cao.

Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư trên thị trấn Quy Đạt có 11 chương trình tín dụng với tổng nguồn vốn cho vay là 104.855 triệu đồng, chiếm 19,5% trong tổng dư nợ cho vay của toàn huyện; các chương trình cho vay có dư nợ vốn vay lớn như: Cho vay xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo nhà ở xã hội có 74 hộ vay vốn, số tiền vay 29.146 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 27,8%; cho vay hộ cận nghèo có 500 hộ vay vốn, số tiền vay 22.846 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 21,8%; cho vay chương trình Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm có 354 lao động vay vốn, số tiền 17.122 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 16,3%, còn lại là các chương trình tín dụng khác.

Để chuyển tải kịp thời nguồn vốn và quản lý tốt nguồn vốn vay ưu đãi, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Ban giảm nghèo cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên tham mưu thành lập 45 Tổ tiết kiệm và vay vốn như là những “cánh tay vươn dài” của Ngân hàng Chính sách xã hội đến các tổ dân phố trên địa bàn; nguồn vốn phân bổ về được các tổ dân phố thông báo kịp thời cho các Tổ tiết kiệm và vay vốn và bà con nhân dân biết, các Tổ tiết kiệm và vay vốn tiến hành bình xét cho vay công khai, dân chủ đến các đối tượng thụ hưởng.

Đến thăm cơ sở kinh doanh dịch vụ quảng cáo của đoàn viên thanh niên Đinh Tiến Huấn ở tổ dân phố 6, thị trấn Quy Đạt mới thấy rõ hiệu quả dòng vốn tín dụng chính sách. Anh Huấn vay vốn chương trình Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 65 triệu đồng, từ nguồn vốn vay anh đã đầu tư kinh doanh dịch vụ in ấn, quảng cáo, giải quyết việc làm thường xuyên và ổn định cho 5 lao động, thu nhập bình quân hàng năm sau khi trừ đi cho phí đạt từ 120 - 150 triệu đồng/năm; hay như mô hình vay vốn chăn nuôi trâu sinh sản và cày kéo đem lại hiệu quả của hộ ông Cao Xuân Thanh ở tổ dân phố 7, vay vốn chương trình tín dụng hộ cận nghèo số tiền chỉ 40 triệu đồng, đến nay đàn trâu của hộ gia đình thường xuyên có đến 7 con, giải quyết việc làm cho 2 lao động, thu nhập từ bán trâu hàng năm của gia đình từ 80 - 100 triệu đồng/năm.

Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Quy Đạt Đinh Duy Hòa khẳng định: “Có thể khẳng định rằng nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và lao động thiếu việc làm ở địa phương thay đổi cuộc sống. Từ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, thời gian vay phù hợp đã tạo điều kiện cho người dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu, cũng thông qua nguồn vốn vay này đã hạn chế được tình trạng người dân thiếu vốn phải đi vay tín dụng đen”.

Đọc thêm