Hồi kết của hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong một diễn biến tích cực gần đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành một chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã trên địa bàn thành phố, trong đó nhấn mạnh việc giám sát chặt chẽ hơn các cơ sở nuôi nhốt gấu.
 9 cá thể gấu được cứu hộ trong hai ngày 10 và 11/02/2022. (Ảnh ENV).
9 cá thể gấu được cứu hộ trong hai ngày 10 và 11/02/2022. (Ảnh ENV).

Chỉ đạo này cũng đặc biệt yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong nuôi nhốt gấu tại huyện Phúc Thọ, là nơi tập trung đến 92,4% số gấu bị nuôi nhốt tại Hà Nội.

Chạy đua với thời gian để cứu gấu

9 cá thể gấu vừa được cứu hộ về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình trong những ngày đầu năm mới. Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, các cá thể gấu được nuôi tại 3 trại gấu từ trước năm 2005. Sau hơn 17 năm trong chuồng sắt, khi các cá thể gấu này được bàn giao, 2 trong số 3 trại gấu này sẽ đóng cửa vĩnh viễn.

Tổ chức FOUR PAWS phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã tổ chức bàn giao và tiếp nhận 9 cá thể gấu ngựa và vượt qua quãng đường dài 1.600km từ tỉnh Bình Dương về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Dọc đường đi, gấu được kiểm tra tình trạng thường xuyên, được cung cấp thức ăn tươi, nước uống và có bác sĩ thú y túc trực trên xe trong toàn bộ chuyến đi.

Chuyên gia Emily Lloyd, cán bộ điều phối đợt chuyển giao gấu cho biết: “Kết quả kiểm tra sức khỏe tại chỗ của các cá thể gấu cho thấy các cá thể gặp vấn đề về da, lông, túi mật và thận ở các mức độ khác nhau. Có 2 cá thể đặc biệt suy nhược chỉ nặng 49kg và 59kg và 2 cá thể quá thừa cân (177kg và 175kg)”.

Khi về đến nơi, các cá thể gấu sẽ lập tức được chuyển vào khu vực cách ly và ở trong khu vực này trong 3 tuần. Trong thời gian này, các cá thể sẽ được kiểm tra sức khỏe và chăm sóc thú y, xây dựng niềm tin với nhân viên chăm sóc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp với loài và bắt đầu các bài tập đầu tiên giúp phục hồi bản năng của loài, từ đó chuẩn bị cho cuộc sống mới tại khu bán hoang dã.

Sự kiện cứu hộ 9 cá thể gấu tại tỉnh Bình Dương đánh dấu nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng và các tổ chức bảo vệ động vật, cũng như sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân và chủ gấu.

Các cá thể gấu được thăm khám sức khỏe trước khi chuyển về trung tâm cứu hộ.

Các cá thể gấu được thăm khám sức khỏe trước khi chuyển về trung tâm cứu hộ.

Chia sẻ về nỗ lực chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Bình Dương, bà Trần Ngọc Mỹ, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho biết, chìa khóa của thành công là sự chung tay vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân có liên quan. Bà Mỹ cũng nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về gấu và tăng cường vận động, tuyên truyền cho chủ gấu sớm tự nguyện chuyển giao gấu cho trung tâm cứu hộ cần phải được quan tâm, đẩy mạnh để có thể thúc đẩy chấm dứt nuôi nhốt gấu.

Được biết, các chủ gấu đã bày tỏ nguyện vọng chuyển giao gấu trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 11/2021. Tuy nhiên, hoạt động chuyển giao gấu bị trì hoãn do tác động nghiêm trọng của đại dịch tại Bình Dương. Tại cơ sở chung nhiều chủ nuôi, một chủ gấu là ông Nguyễn Ngọc Tiến đã đóng góp rất lớn trong việc vận động, thuyết phục các chủ nuôi khác tự nguyện chuyển giao gấu cho Nhà nước. “Tôi cũng rất thương các cá thể gấu mình nuôi và đang chăm sóc chúng rất tốt. Tuy nhiên, khi biết về cuộc sống của gấu tại các trung tâm cứu hộ chuyên biệt, tôi đã nghĩ chúng xứng đáng được sống như vậy. Đó là lí do vì sao tôi chuyển giao gấu và vận động các chủ gấu khác cùng làm theo” - ông Tiến chia sẻ.

Bà Ngô Thị Mai Hương - Giám đốc Tổ chức FOUR PAWS Việt cho biết: “Đây là đợt cứu hộ gấu lớn nhất mà FOUR PAWS từng thực hiện. Thêm 9 cá thể này, chúng tôi đã tiếp nhận tổng cộng 27 cá thể gấu từ tỉnh Bình Dương, điều này nói lên sự hiệu quả của công tác thực thi pháp luật trong bảo vệ động vật hoang dã của tỉnh Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung. Hiện FOUR PAWS đang chạy đua với thời gian để cứu hộ các cá thể gấu còn bị nuôi nhốt trong nỗ lực chung nhằm chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam”.

Hà Nội với quyết tâm không còn là điểm nóng nuôi nhốt gấu

Năm 2005, ước tính có khoảng trên 4.300 cá thể gấu, chủ yếu là gấu ngựa bị nuôi nhốt tại các trại gấu tư nhân do kết quả của nhu cầu buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm từ gấu. Các cá thể gấu này bị suy dinh dưỡng, bị bỏ bê chăm sóc và có nguy cơ bị chết sau nhiều năm bị lạm dụng, khai thác trong môi trường nuôi nhốt tồi tệ. Hiện nay, còn khoảng 317 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt tại 105 cơ sở nuôi gấu hộ gia đình trên cả nước, trong đó Hà Nội có 30 cơ sở với 158 cá thể (theo số liệu tháng 12/2021 của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên - ENV).

Có thể nói, đợt chuyển giao gấu này đánh dấu một bước tiến vượt bậc của tỉnh Bình Dương, từ một điểm nóng về nuôi nhốt gấu lấy mật cho đến một tấm gương sáng trong việc loại bỏ nạn nuôi nhốt gấu trong những năm vừa qua. Các tổ chức bảo tồn hy vọng các tỉnh, thành khác còn đang là điểm nóng của nuôi nhốt gấu lấy mật sẽ noi theo ví dụ của tỉnh Bình Dương để Việt Nam sớm không còn có tên trên bản đồ của các quốc gia đang săn bắt, nuôi nhốt gấu và tiêu thụ các sản phẩm từ gấu.

Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là huyện Phúc Thọ vẫn đang là điểm nóng về tình trạng nuôi nhốt gấu.

Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là huyện Phúc Thọ vẫn đang là điểm nóng về tình trạng nuôi nhốt gấu.

Là địa phương với số lượng gấu bị nuôi nhốt lên đến 308 cá thể, chiếm hơn một nửa số gấu nuôi nhốt trên cả nước, đầu năm 2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành một chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã trên địa bàn thành phố, trong đó nhấn mạnh việc giám sát chặt chẽ hơn các cơ sở nuôi nhốt gấu. Chỉ đạo này cũng đặc biệt yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong nuôi nhốt gấu tại huyện Phúc Thọ, là nơi tập trung đến 92,4% số gấu bị nuôi nhốt tại Hà Nội. Nếu chỉ đạo này được chấp hành một cách nghiêm túc, Hà Nội có thể trở thành địa phương tiếp theo không còn gấu bị nuôi nhốt tại các trang trại tư nhân.

Bà Vũ Thị Quyên - Giám đốc ENV bày tỏ hy vọng: “Thành công tại Bình Dương cũng là tiền đề giúp chính quyền Hà Nội định hướng để đưa Thủ đô từ một điểm nóng về nuôi nhốt gấu trở thành địa phương tiếp theo chấm dứt thành công tình trạng nuôi nhốt gấu. Hi vọng các cơ quan chức năng trên địa bàn, đặc biệt là tại Phúc Thọ sẽ có động thái tích cực, nghiêm túc và nhanh chóng triển khai thực hiện chỉ đạo này để góp phần chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại Hà Nội nói chung và tại huyện Phúc Thọ nói riêng”.

Có thể nói, sự kiện chuyển giao 9 cá thể gấu ngựa tại tỉnh Bình Dương cùng với chỉ đạo mới ban hành của UBND TP Hà Nội nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ gấu là những bước tiến cho thấy chuyển biến tích cực trong nỗ lực chấm dứt nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.

Trước kia, mật gấu được sử dụng trong y học cổ truyền châu Á hàng nghìn năm và được coi là “thần dược”. Tuy nhiên, ngày nay y học phát triển và đã tìm ra được những lựa chọn thay thế mật gấu, thậm chí còn rẻ tiền và hiệu quả hơn. Thế nhưng, việc nuôi nhốt gấu lấy mật vẫn được thực hiện ở nhiều nơi khắp châu Á và điều này đẩy những con gấu vào một cuộc đời đầy đau khổ. Nhu cầu về các sản phẩm từ mật gấu chủ yếu đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Malaysia và Đài Loan. Mật gấu được chiết xuất từ những con gấu còn sống và bị nuôi nhốt cố định trong lồng hàng chục năm khiến c

ơ thể bị biến dạng theo chiếc lồng nhốt hoặc có những con gấu đã mất hoàn toàn bộ răng vì liên tục gặm thanh chắn của lồng sắt… Lấy mật gấu là một trong những hình thức ngược đãi động vật cực đoan nhất trên thế giới.

Gấu thường xuyên phải chịu đựng những chấn thương không ai có thể tưởng tượng được, bởi mật gấu được chiết xuất bằng nhiều kĩ thuật xâm lấn khác nhau, tất cả đều gây ra sự đau đớn và nhiễm trùng nghiêm trọng.

Đọc thêm