Ba vấn đề trọng tâm
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu đối với Hội nghị lần này là phải tạo được sự nhận thức rộng rãi hơn nữa; tận dụng cơ hội để phát triển nhanh nhưng vẫn đảm bảo được tính bền vững về kinh tế - xã hội, sinh kế của người dân vùng ĐBSCL trong bối cảnh cần phải thích ứng với BĐKH.
Trên cơ sở các báo cáo đánh giá kết quả tổng hợp đạt được của các bộ, ngành, địa phương cũng như các báo cáo tổng hợp của các diễn đàn chuyên đề, Hội nghị sẽ tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau:
Thứ nhất, đánh giá thẳng thắn những việc đã làm được, chưa làm được và những khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương kể từ khi thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP đối với các nhiệm vụ được giao, các nhiệm vụ đề ra trong Chương trình Hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết.
Thứ hai, xác định được các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP, bao gồm: các hoạt động ưu tiên có quy mô vùng, mang tính bền vững và có tính lan tỏa; các giải pháp về cơ chế, chính sách, khoa học và công nghệ, nguồn lực, cơ chế điều phối vùng, đối tác công - tư trong triển khai thực hiện Nghị quyết; mối quan tâm và định hướng cam kết của các Đối tác phát triển hỗ trợ việc thực hiện Nghị quyết. Cần xác định những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL.
Vấn đề thứ ba là tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong hành động của các cấp, các ngành, địa phương và người dân trong vùng để đưa những nội dung của Nghị quyết vào thực tiễn của vùng ĐBSCL, qua đó, tận dụng thành công các cơ hội, từng bước chuyển hóa những thách thức thành các cơ hội mới.
ĐBSCL đã có bước chuyển mình
Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH được Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm đầu tư cùng với hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Điều này thể hiện ở tăng trưởng GDP 7,8% ấn tượng, cao nhất trong 4 năm trở lại đây; kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt 15,7 tỷ USD; diện mạo nông thôn được khởi sắc, có nhiều đổi mới.
Các ngành, lĩnh vực kinh tế trong vùng đã có những chuyển dịch tích cực: Sản xuất nông nghiệp tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa; hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.
Sạt lở bờ sông, bờ biển là vấn đề cấp bách đối với ĐBSCL. |
Công nghiệp đi vào tập trung phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải; khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, trước hết là năng lượng gió và năng lượng mặt trời… Trong lĩnh vực giao thông, Chính phủ đã quan tâm đầu tư để hoàn thành kết nối thông tuyến vào năm 2020… Bên cạnh đó, nhiều công trình, dự án thủy lợi, các dự án hạ tầng thủy sản, cảng cá, khu neo đậu đã được triển khai thực hiện phục vụ phát triển ĐBSCL… Qua đó, tăng cường ngăn mặn, kiểm soát triều cường, sóng cao.
Đặc biệt, an sinh xã hội được quan tâm, việc làm được cải thiện, sinh kế của người dân từng bước được chuyển đổi theo hướng bền vững. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát triển bản sắc văn hóa; các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng được chú trọng, giữ gìn bên cạnh việc phát huy các di sản thiên nhiên văn hóa.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, sau khi ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP, để xử lý vấn đề cấp bách, có ý nghĩa “sống-còn” với ĐBSCL là sạt lở bờ sông, bờ biển, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 795/QĐ-TTg hỗ trợ vốn cho các địa phương thuộc vùng ĐBSCL 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn lúng túng, dẫn đến việc còn 3 tỉnh, thành phố chưa triển khai thi công xây lắp.
Một số tỉnh đã triển khai cũng gặp vướng mắc. Ví dụ như theo báo cáo của Cà Mau, tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống sạt lở, cả giải pháp công trình và phi công trình; đã xử lý khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với chiều dài gần 29.000 m; các tuyến kè giảm sóng đã tạo được bãi bồi phía trong tuyến kè, khôi phục hàng trăm ha rừng phòng hộ ven biển.
Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân, cơ chế gây ra sạt lở để có giải pháp tổng thể phù hợp chưa được làm rõ; một số giải pháp công trình gây bồi tạo bãi có hiệu quả nhưng suất đầu tư còn tương đối cao, bình quân 20 tỷ đồng/km, vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương.
Thời gian qua, các địa phương vùng ĐBSCL đã tập trung nguồn lực triển khai các dự án cấp bách ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển như: Xây kè chống sạt lở kiên cố ở các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm; kè phá sóng và trồng rừng phòng hộ chắn sóng để phòng chống sạt lở; di dời, ổn định sinh kế người dân vùng bị sạt lở, sụt lún. Kết quả, mùa mưa lũ 2018 không gây thiệt hại về người do thiên tai.